Kết quả của các cuộc KTMT do CNAO và CAG thực hiện đã nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan có liên quan
Từ khi được thành lập vào năm 1983, CNAO luôn tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), đó là: các SAI thành viên nỗ lực thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường thông qua hoạt động kiểm toán. Đồng thời, thực hiện chiến lược tầm cỡ quốc gia về thúc đẩy kiểm toán môi trường (KTMT), hướng đến mục tiêu “phát triển bền vững, toàn diện, cân bằng”, giai đoạn 2003-2015, CNAO đã tổ chức vài chục cuộc kiểm toán về các vấn đề: tài nguyên đất đai, tài nguyên khoáng sản, sinh thái, phòng, chống ô nhiễm nước và bảo tồn năng lượng tại các sông lớn và các vùng biển, giảm phát thải, công tác tiết kiệm năng lượng, các quỹ lâm nghiệp đặc biệt... CNAO đã gửi hơn 200 Báo cáo kiểm toán cho Chính phủ. Bên cạnh việc phát hiện những sai phạm, các cuộc kiểm toán cũng phản ánh những khó khăn trong việc thực hiện chính sách và nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan liên quan.
Đặc biệt, năm 2014, CNAO đã tổ chức nhiều cuộc kiểm toán trên phạm vi toàn quốc về vấn đề chuyển nhượng đất, với sự tham gia của 24 nghìn kiểm toán viên đến từ 29 tỉnh, khu tự trị và thành phố khắp Trung Quốc. Đây là cuộc kiểm toán quy mô lớn đầu tiên về lĩnh vực này, phát hiện nhiều sai phạm trong sử dụng đất trái phép, chiếm dụng đất nông nghiệp, phá hoại đất canh tác, giúp 1,2 triệu km2 đất trồng trọt được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Tháng 3/2016, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua “Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia lần thứ 13”, kêu gọi tăng cường công tác bảo vệ môi trường sinh thái, tập trung nghiên cứu các giải pháp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường. Do đó, trong những năm tới, CNAO sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KTMT, tập trung vào các mục tiêu và nhiệm vụ chính được nêu trong Kế hoạch.
Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động KTMT, những năm qua, CNAO đã tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Kiểm toán và một số bộ luật liên quan khác, quy định một loạt nhiệm vụ của các tổ chức kiểm toán, đưa ra các hình phạt đối với các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng tới công tác bảo vệ môi trường. Năm 2009, CNAO đã xây dựng Kế hoạch Tăng cường công tác KTMT, vạch ra các nguyên tắc, nhiệm vụ chính và mục tiêu phát triển cho lĩnh vực này.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng các cuộc KTMT, CNAO đã thành lập một khung đo lường hiệu quả hoạt động kiểm toán tích hợp đối với các cuộc kiểm toán, trong đó có các cuộc kiểm toán tài nguyên môi trường. Năm 2015, CNAO tiếp tục hoàn thiện hệ thống KTMT, thúc đẩy xây dựng nền văn minh sinh thái, vạch ra các nhiệm vụ kiểm toán chính nhằm thực hiện mục tiêu trên, ban hành các Bộ hướng dẫn KTMT nước, kiểm toán đất đai và bắt đầu chuẩn bị soạn thảo các hướng dẫn về kiểm toán tài nguyên khoáng sản.
Cùng với đó, CNAO đã thành lập các phòng, ban chuyên trách về KTMT với hơn 200 nhân viên chuyên nghiệp. CNAO cũng luôn chú trọng vào công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của các kiểm toán viên môi trường.
Không chỉ hoàn thiện hành lang pháp lý về KTMT, tổ chức tốt các cuộc kiểm toán về lĩnh vực này ở trong nước, CNAO còn tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan đến lĩnh vực KTMT trên phạm vi quốc tế, cùng các SAI khác có những đóng góp lớn trong việc giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường, thúc đẩy công tác quản trị tốt, góp phần phát triển bền vững, cải thiện đời sống của cộng đồng.
Với tư cách là thành viên của Nhóm Công tác về KTMT của INTOSAI (INTOSAI WGEA) và Chủ tịch Nhóm Công tác về KTMT của ASOSAI, CNAO đã tổ chức nhiều hội thảo về KTMT, tạo cơ hội trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên trong khu vực. Đồng thời, CNAO còn tiến hành các cuộc điều tra về KTMT để thu thập thông tin liên quan từ các SAI thành viên và tăng cường hợp tác với các SAI khác trong việc thực hiện công tác KTMT.
Từ khi làm Chủ tịch INTOSAI vào năm 2013, CNAO cũng tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu do INTOSAI WGEA tổ chức, các hoạt động KTMT nói riêng, kiểm toán nói chung trên phạm vi quốc tế.
Trên con đường xây dựng và phát triển, CNAO cam kết sẽ nỗ lực hết mình, tiếp tục hợp tác tích cực cùng các SAI để tăng cường công tác KTMT, hướng đến nền văn minh sinh thái và cùng nhau đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
CAG - KTMT để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của quốc gia
Ấn Độ là quốc gia vừa có tốc độ tăng trưởng dân số và tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng. Nhiều ngành công nghiệp ở Ấn Độ đang gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng; các chất thải độc hại của một số DN đã gây ra cái chết hàng loạt của các loài cá tại một số vùng biển của Ấn Độ, DN hoạt động trong lĩnh vực dệt, hóa chất và sản xuất đường đang thải ra nhiều loại hóa chất và chất thải khác trên phạm vi rộng hơn. Không những thế, một số công ty thuốc lá đa quốc gia đang phải đối mặt với các vấn đề pháp lý ở các nước phát triển như Ấn Độ, do đó, họ dần chuyển hướng kinh doanh, làm tăng gánh nặng lên môi trường tại quốc gia này.
Năm 1995, nhiều vụ bê bối liên quan đến vấn đề môi trường đã xảy ra tại bang Gujarat, dư luận Ấn Độ đã dậy sóng khi nhiều DN xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sau đó, gần 760 DN đã phải đóng cửa tại TP. Ahmedabad của Bang do thiếu hệ thống quản lý môi trường và không tuân thủ các quy định xử lý chất thải.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành một số luật, trong đó bao gồm các quy định xử phạt đối với các hành vi phá hoại, gây ô nhiễm môi trường của các công ty, xí nghiệp, DN trên toàn quốc. Chính phủ Ấn Độ đã ngày càng quan tâm hơn đến lĩnh vực KTMT và đang tiếp tục nâng cao nhận thức trong cộng đồng về vấn đề này. Minh chứng là từ năm tài chính 1992-1993, Chính phủ đã ban hành quy định yêu cầu tất cả các DN phải nộp Báo cáo KTMT thường niên. Theo đó, các DN sẽ phải báo cáo về số lượng nguyên - nhiên liệu, năng lượng sử dụng cũng như lượng chất thải của DN. Các Báo cáo kiểm toán này sẽ được nộp cho Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm quốc gia trước ngày 30/9 hằng năm. Quy định này được đưa ra nhằm mục đích thắt chặt công tác giám sát hoạt động của các DN, thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ hiện đại, chi phí thấp, thân thiện với môi trường và giảm thiểu việc tiêu thụ tài nguyên, giảm tác động tiêu cực lên môi trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập một số cơ quan giám sát vấn đề ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trong số ít quốc gia ở các nước đang phát triển đưa ra các quy định toàn diện về môi trường nhằm thắt chặt quản lý các ngành công nghiệp có tác động tới môi trường, giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực.
Mức độ nhận thức về ô nhiễm môi trường và những hệ lụy của nó trong cộng đồng cũng ngày càng được quan tâm. Nhiều công ty dịch vụ kiểm toán tại Ấn Độ chú trọng hơn đến hoạt động KTMT. Hoạt động này chính thức được giới thiệu vào tháng 3/1992 nhằm hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên, giảm thiểu các loại chất thải độc hại và thúc đẩy việc sử dụng công nghệ, nguyên liệu sạch. Đồng thời, tại Ấn Độ, KTMT là một công cụ quản lý hiệu quả giúp các DN tự đánh giá, xem xét hoạt động của mình, khắc phục những sai sót, giảm thiểu rủi ro, góp phần cải tiến các quy trình của công ty và đưa ra những sáng kiến trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn nhằm cải thiện môi trường. Có thể nói, KTMT được đánh giá là một vũ khí chiến lược có thể giúp các công ty phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Trong 2 thập kỷ qua, CAG đã có nhiều kinh nghiệm về KTMT, đặc biệt là đã thành lập Trung tâm Chuyên về KTMT và phát triển bền vững, cung cấp nhiều khóa đào tạo cho kiểm toán viên trong và ngoài nước. Đây là trung tâm đào tạo quốc tế cho kiểm toán viên thuộc INTOSAI WGEA .
10 năm qua, CAG đã thực hiện 90 cuộc KTMT. Đây là điều rất đáng để KTNN Việt Nam học hỏi, đặc biệt là trong bối cảnh KTNN Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và đang gấp rút chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội ASOSAI 14 với chủ đề: “KTMT vì sự phát triển bền vững”.
THANH XUYÊN
Theo Báo Kiểm toán số 27,28 ra ngày 10/7/2018