Cơ hội hút vốn ngoại của ngân hàng Việt

(BKTO) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) vừa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho DN hai bên ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, việc thu hút nguồn vốn ngoại vào lĩnh vực ngân hàng được dự báo là sẽ sôi động hơn khi EVFTA có hiệu lực.



Cơ hội gia tăng nội lực tài chính

Theo EVFTA, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có những cam kết về thương mại, dịch vụ, đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các DN hai bên. Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Đối với dịch vụ ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) của Việt Nam. Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng TMCP mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng của EU tham gia nắm giữ vốn điều lệ tại 2 ngân hàng TMCP của Việt Nam vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục mua bán và sáp nhập, cũng như các yêu cầu an toàn và cạnh tranh khác, bao gồm hạn chế hoặc giới hạn về tỷ lệ cổ phần sở hữu áp dụng cho nhà đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức trên cơ sở đối xử quốc gia theo pháp luật và quy định của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, gần đây, nhà đầu tư ngoại khá quan tâm đến việc đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng. Điển hình như: Ngân hàng KEB Hana Bank đã mua 15% cổ phần của ngân hàng BIDV; Ngân hàng Aozora của Nhật Bản cũng đang có kế hoạch mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Tuy nhiên, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các ngân hàng là 30% khiến nhiều nhà đầu tư dè dặt. Vì vậy, EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía Việt Nam và EU tham gia nhiều hơn vào thị trường lẫn nhau, đặc biệt là việc thu hút đầu tư mạnh mẽ từ các ngân hàng EU vào Việt Nam. Theo đó, ngân hàng EU có thể sẽ chọn hình thức góp vốn/mua cổ phần để thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Mặt khác, trong bối cảnh ngành ngân hàng trong nước đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, nhu cầu tìm kiếm đối tác, nguồn vốn đầu tư quốc tế để tăng vốn rất lớn, EVFTA cũng là cơ hội để các ngân hàng gia tăng nội lực tài chính cũng như tranh thủ các mô hình kinh doanh, bộ máy quản trị hiệu quả và công nghệ hiện đại từ các ngân hàng rót vốn, nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao

EVFTA là một hiệp định có các cam kết ở mức cao hơn so với cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong lĩnh vực tài chính. Nhận định về những ảnh hưởng của quy định này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - cho rằng, EVFTA chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía Việt Nam và EU. Tuy nhiên, các ngân hàng của Việt Nam không có nhiều lợi thế đầu tư vào EU như phía ngân hàng EU đầu tư vào Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng Việt Nam so với các ngân hàng của EU còn rất hạn chế về quy mô, năng lực, quản lý rủi ro cũng như chuẩn mực hoạt động, quản trị. Chẳng hạn, hiện nay, các ngân hàng mới đang hoàn thiện chuẩn mực Basel II, trong khi các ngân hàng châu Âu đang áp dụng theo Basel III và tiến hành đến Basel IV. Trong bối cảnh năng lực hệ thống ngân hàng như hiện tại thì việc chúng ta tận dụng cơ hội trong tương lai gần sẽ khó khăn. Tuy nhiên, chuyên gia cũng kỳ vọng các ngân hàng EU sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam mạnh hơn trong những năm tới, đặc biệt là các ngân hàng kỹ thuật số, vốn là thế mạnh của ngân hàng châu Âu để người tiêu dùng Việt Nam sẽ được thụ hưởng những dịch vụ tiên tiến, chất lượng hơn.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, với mức độ nới room lên 49% và chỉ ở 2 ngân hàng cổ phần thì rõ ràng quy định trong EVFTA là có tác động nhưng không nhiều; trong đó, nhóm ngân hàng cổ phần sẽ là những ngân hàng được hưởng lợi từ quy định mới này. Việc lựa chọn ngân hàng cổ phần nào đáp ứng được tiêu chí để các tổ chức tín dụng châu Âu nâng room ngoại lên 49%, phía EU sẽ xem xét và phía Việt Nam là Bộ Tài chính và NHNN sẽ cân nhắc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những ngân hàng đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao như hoàn tất cả 3 trụ cột của Basel II, có quy mô tổng tài sản lớn, nợ xấu thấp, lợi nhuận cao... sẽ "hút" được dòng vốn từ EU.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Cơ hội hút vốn ngoại của ngân hàng Việt