Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức theo hình thức trực tuyến, ngày 21/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong tuyên bố chung, G20 nhất trí “dốc toàn tâm, toàn lực” nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 đang hoành hành, cũng như không để nền kinh tế toàn cầu rơi vào hỗn loạn hơn nữa nhằm bảo vệ mạng sống và sinh kế của người dân.
Tinh thần “đồng lòng” này của G20 được ví như “chiếc phao,” neo hy vọng về cơ hội thế giới có thể vượt qua thời điểm khó khăn này để hướng tới tương lai tươi sáng hơn, đúng như chủ đề mà nước chủ nhà đã lựa chọn “Hiện thực hóa cơ hội trong thế kỷ 21 cho mọi người dân.”
Trước hội nghị, dư luận không đặt nhiều kỳ vọng vào việc G20 có thể tìm được tiếng nói chung, bởi hình thức họp trực tuyến với quy mô thu nhỏ chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng đến việc thảo luận các vấn đề “nóng." Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đang tái bùng phát ở nhiều nước, kéo theo nền kinh tế một lần nữa đứng trước nhiều rủi ro, thậm chí theo dự đoán sẽ còn hứng chịu những hậu quả lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do các biện pháp phong tỏa, hạn chế nhằm chặt đứt nguồn lây lan của virus SARS-CoV-2.
Không chỉ vậy, G20 cũng đang phải đối mặt với những chỉ trích, rằng nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới này phản ứng không thỏa đáng đối với cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, khi mà bất đồng và tình trạng mất lòng tin giữa các thành viên, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày một gia tăng… đang làm suy giảm hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, kết quả hội nghị đã cho thấy G20 có thể dẹp bỏ bất đồng để hướng tới mục tiêu cùng vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong tuyên bố kết thúc hội nghị, lãnh đạo các nền kinh tế G20 đã khẳng định chỉ có phối hợp toàn cầu, đoàn kết và hợp tác đa phương mới có thể đưa thế giới vượt qua những thách thức hiện nay, hiện thực hóa các cơ hội cho mọi người dân. Bên cạnh đó, G20 cũng cam kết dẫn dắt thế giới trong việc định hình một kỷ nguyên hậu COVID-19 mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm.
Thực tế thì dịch COVID-19 là thách thức chung của nhân loại, là mối đe dọa “không có biên giới” và cũng không loại trừ bất kỳ ai. Trong Nhóm G20, vốn quy tụ các nền kinh tế hàng đầu thế giới, ít nhất 7 nước có số ca tử vong do mắc COVID-19 cao nhất thế giới, trong đó nhiều nước đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, như Pháp, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ…
Trong nhóm 10 nước đứng đầu thế giới về số ca mắc, có tới 8 nước là thành viên G20 (Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Pháp, Nga, Anh, Italy, Argentina), chưa kể Liên minh châu Âu (EU) cũng đang là điểm nóng COVID-19. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo G20 hiểu rõ lợi ích của việc cùng nhau “hiệp lực” để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, khi khẳng định cơ chế hợp tác đa phương “là phương thức hợp tác quan trọng nhất vào thời điểm hiện nay."
Như phát biểu của Quốc vương nước chủ nhà Saudi Arabia Salman sau khi kết thúc hội nghị: “Chúng tôi có thể tái khẳng định tinh thần hợp tác luôn là nền tảng cho thành công của G20. Tinh thần này đang cần thiết hơn bao giờ hết để có thể vượt qua những tác động của đại dịch và xây dựng một tương lai thịnh vượng cho người dân trên thế giới.”
Nhân viên y tế động viên tinh thần bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở thành phố Safed, Israel ngày 21/11/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Kể từ hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bất thường được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, G20 đã luôn nỗ lực thúc đẩy nhiều biện pháp nhằm hiện thực hóa cam kết đưa ra khi đó là vượt qua đại dịch, khôi phục lòng tin, giữ vững ổn định tài chính và khôi phục tăng trưởng.Dù đại dịch hoành hành, khiến các hội nghị đều phải thực hiện theo hình thức trực tuyến, song G20 vẫn nỗ lực khởi xướng Sáng kiến ACT Accelerator - nền tảng toàn cầu nhằm tăng cường quan hệ đối tác để tiếp cận các phương pháp chẩn đoán, điều trị và vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2, cũng như Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo trong năm nay và nhất trí gia hạn thêm 6 tháng (đến tháng 6/2021) cho các nước nghèo nhất, chủ yếu là các nước châu Phi.
“Sự đồng lòng” của G20 thông qua việc đóng góp hơn 21 tỷ USD để hỗ trợ lĩnh vực y tế toàn cầu được xem là đi đúng hướng khi nhiều loại vắcxin cho kết quả khả quan trong giai đoạn thử nghiệm cuối. Trong khi đó, nếu đảm bảo vắcxin được phân phối đến mọi nơi và mọi đối tượng, ước tính thu nhập toàn cầu có thể tăng gần 9.000 tỷ USD vào năm 2025.
Không chỉ vậy, G20 còn “bơm” 11.000 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu. Mới nhất, thành viên G20 Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng vừa tuyên bố xóa nợ cho các nước đang phát triển, với số tiền lên tới 2,1 tỷ USD.
Nếu so với số tiền mà 73 nước kém phát triển nhất thế giới đang nợ các nước G20 trong năm 2019 lên mức cao kỷ lục 744 tỷ USD, những nỗ lực của G20 chưa thể ngay lập tức giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của đại dịch, các biện pháp trên của G20 vẫn được đánh giá cao, khi vừa thể hiện trách nhiệm dẫn dắt thế giới giải quyết các thách thức hiện nay, giúp ngăn chặn nguy cơ phá sản hàng loạt, đồng thời cũng vừa tự giúp mình có thể kiểm soát đại dịch, từ đó vực dậy nền kinh tế.
Không chỉ "hiệp lực" ứng phó với COVID-19, G20 còn “đồng lòng” hợp tác đa phương trong một loạt vấn đề mà thế giới đang đối mặt, từ thúc đẩy đầu tư và thương mại toàn cầu ổn định, minh bạch, không phân biệt, công bằng, rộng mở, đến chống biến đổi khí hậu, giảm suy thoái đất, bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh lương thực và quản lý bền vững nguồn nước.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo còn nhất trí về tầm quan trọng của G20 trong thúc đẩy thực hiện đúng thời hạn Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; tăng cường hơn nữa trao quyền cho phụ nữ và thanh niên, bao gồm việc nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy phát triển tài chính bao trùm, thu hẹp khoảng cách số...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên họp ngày 22/11/2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trong lần thứ năm được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 kể từ năm 2010, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu, chia sẻ nhiều ý kiến và đề xuất tại cả hai phiên thảo luận của G20, với các chủ đề "Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm" và “Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có sức chống chịu."Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, từ những kinh nghiệm dẫn dắt và điều phối các nước ASAEN ứng phó dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp chính sách toàn cầu, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác đa phương dựa trên luật lệ, các quốc gia cùng tôn trọng, hiểu biết, đối thoại, hợp tác và tin cậy lẫn nhau.
Lãnh đạo Việt Nam một lần nữa đề cao thông điệp hợp tác và chia sẻ trách nhiệm chung để giải quyết các thách thức toàn cầu, trước hết là đại dịch COVID-19, ứng phó biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giảm rác thải nhựa và quản lý bền vững nguồn nước...
Những đóng góp thiết thực, mang tính xây dựng của Việt Nam tại hầu hết các hội nghị quan trọng của G20 năm 2020, từ hội nghị thượng đỉnh này cho tới loạt hội nghị cấp bộ trưởng trong các lĩnh vực: ngoại giao, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, kinh tế số, lao động việc làm, môi trường, năng lượng, thương mại và du lịch… tiếp tục nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế.
Đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 được đánh giá là chưa từng có tiền lệ này, G20 đã thể hiện được khả năng vận động và tập hợp một phản ứng quốc tế chung trước những thách thức đặt ra, cũng như một lần nữa cho thấy hợp tác đa phương là xu thế không thể đảo ngược trong việc giải quyết các vấn đề mang tầm vĩ mô.
Rất nhiều tổ chức và các nước đã hoan nghênh cam kết tập thể đạt được tại hội nghị và đánh giá cao vai trò của G20. Điều quan trọng hơn cả, chính là các nhà lãnh đạo sẽ biến sự đồng thuận và những cam kết chính trị đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần này thành các hành động cụ thể, để G20 có thể khẳng định được vị thế của một tổ chức đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, điều phối, thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm đưa thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay./.
Theovietnamplus.vn