Cơ khí “bí” đầu ra do thực thi chính sách còn bất cập

(BKTO) - Các dự án cơ khí trọng điểm đã và đang phải đối mặtvới hàng loạt những khó khăn, bất cập như khó tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi,khó được giao thầu và chỉ định thầu sản phẩm cơ khí trọng điểm; vướng mắc trongưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước đối với các gói thầu và dựán có sử dụng vốn Nhà nước từ 30% trở lên, vướng mắc trong thực hiện chính sáchtạo đơn hàng cho các DN cơ khí…




Các dự án quy mô lớn đều đang áp dụng giao thầu theo hình thức chìa khóa trao tay nên các DN trong nước hầu như không có cơ hội cung cấp thiết bị. Ảnh: T.K

Tại Hội thảo “Tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các Dự án cơ khí trọng điểm” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội cơ khí Việt Nam tổ chức mới đây, ông Phan Tử Giang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí chia sẻ: Việc thực thi chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án cơ khí trọng điểm còn nhiều bất cập, mang tính cổ vũ tinh thần là chính vì hiếm DN nào được thụ hưởng. Thực tế DN này đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về chính sách và chắc chắn tới 100% sẽ vay được vốn ưu đãi cho dự án đóng giàn khoan. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện các thủ tục để được vay vốn vào năm 2009 cho đến nay, DN vẫn chưa vay được đồng vốn ưu đãi nào, bởi các chính sách rất chung chung, không thể thực hiện được. Đã bắt tay vào công việc nên không thể dừng dự án, DN buộc phải vay 800 tỷ đồng với lãi suất 21%/năm từ năm 2010 đến nay. Chi phí lãi suất đội giá thành lên cao khiến DN không thể cạnh tranh được với giàn khoan ngoại nhập.

Chung cảnh ngộ này, đại diện của Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma cho biết, Coma đã “trèo gần tới ngọn lại phải tụt xuống”. 10 năm trước DN làm thủ tục vay 166 tỷ đồng vốn ưu đãi cho dự án sản xuất sản phẩm cơ khí vận chuyển nhưng tính đến nay mới chỉ vay được 6 tỷ đồng, đủ để hoàn thiện mặt bằng, xây dựng nhà xưởng. Không được vay vốn như nhu cầu, Coma chỉ còn cách hoàn trả lại vốn đã vay.

Ông Nguyễn Mạnh Quân - thành viên Ban chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm cho biết: “Ban chỉ đạo đã phê duyệt danh mục 11 dự án với tổng vốn đầu tư 9978 tỷ đồng đưa vào danh sách dự án cơ khí trọng điểm được hưởng ưu đãi, nhưng đến nay mới chỉ có 3 dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý cho vay tổng vốn 274 tỷ đồng và hiện mới giải ngân được 16% (tương đương 60,73 tỷ đồng).

Bên cạnh khó khăn về vốn, đầu ra cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm ngay tại thị trường trong nước vẫn chưa thông. Ông Hang Ha Ryu - Tổng giám đốc Công ty Doosan Vina nêu rõ: mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 494/CT-TTg và Chỉ thị 734/CT-TTg với nội dung và phương hướng chính là thúc đẩy và tăng cường tỷ lệ tham gia của các DN trong nước, nhưng thực tế các thiết bị cho các dự án quy mô lớn đều đang được áp dụng giao thầu theo hình thức chìa khóa trao tay dẫn đến các DN trong nước hầu như không có cơ hội tham gia cung cấp các thiết bị, hoặc nếu có cũng chỉ được các tổng thầu ký hợp đồng cung cấp như một nhà cung cấp thứ cấp.

Trong khi đó, đóng góp của các DN cơ khí trong nước ngày càng được cải thiện, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Giá trị sản xuất ngành cơ khí những năm gần đây đã có mức tăng trưởng cao, đạt khoảng 700 ngàn tỷ đồng vào năm 2013, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm cơ khí năm 2013 đạt trên 13 tỷ USD, tăng gần 6 lần so với năm 2006. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng hiện có của các DN cơ khí và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước. Cụ thể, năm 2013, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu cơ khí cả nước.

“Đầu tư cho công nghiệp cơ khí cần vốn lớn, tuy khả năng sinh lời chưa cao, song điều quan trọng là xây dựng ngành công nghiệp cơ khí chính là xây dựng cơ sở hạ tầng của toàn bộ ngành công nghiệp đất nước. Chúng ta có thể bỏ ra hàng chục tỷ USD để đầu tư vào bất động sản, nhưng ngành công nghiệp cơ khí chỉ được đầu tư không quá 0,3 tỷ USD. Đây là điều đáng bức xúc” - ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) nói.

Những khó khăn, vướng mắc đối với các DN cơ khí nói chung, những dự án cơ khí trọng điểm nói riêng có được giải tỏa hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm do Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) đang được giao làm đầu mối xây dựng Dự thảo.

Đại diện của VAMI và các DN nhấn mạnh, bản Dự thảo đã được xây dựng rất công phu. Tuy nhiên, một số nội dung sửa đổi cần hướng vào thực tiễn nhiều hơn. Chẳng hạn, quy trình phê chuẩn danh mục đầu tư cần được rút ngắn và đơn giản hơn; quan tâm đến chính sách kích cầu bằng quy định ban hành danh mục sản phẩm cơ khí được ưu tiên, DN có thể lưu ý sử dụng của nhau (Bộ Công Thương tập hợp danh mục, thành lập Hội đồng phê duyệt danh mục chính thức); phải có tỷ lệ bắt buộc sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước cho các gói thầu… Một kiến nghị đáng lưu ý của ông Nguyễn Văn Thụ: “Chỉ nên chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm được hưởng chính sách ưu đãi, chứ không nên chọn dự án cơ khí trọng điểm như từ trước tới nay, và khi có sản phẩm trọng điểm sẽ được đưa vào các dự án”.

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
  • Góc nhìn của DN lớn về triển vọng kinh tế
    9 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2014 đánh dấu sự chuyển mình trong sản xuất kinh doanh của các DN lớn. Bức tranhkinh tế Việt Nam về cơ bản đãcó phần sáng sủa hơn, trong đó đã xuất hiện khá nhiều tín hiệu khả quan cho tăngtrưởng kinh tế. Chung quan điểm với nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, cộng đồng DN lớn cho rằng: Việt Nam sẽ “tăng tốc hơn đôi chút” trong năm 2015 và trở thành một điểmđến đầu tư hấp dẫn.
Cơ khí “bí” đầu ra do thực thi chính sách còn bất cập