“Có lực lượng nhân dân, việc khó mấy, to mấy làm cũng được”

(BKTO) - Chủ nghĩa Mác - Lênin đã sớm chỉ rõ vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong cách mạng vô sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với nhân dân xã Ái Quốc, Hưng Yên năm 1958. Ảnh: TTXVN


C.Mác từng đề cập đến vai trò to lớn của nhân dân với chế độ nhà nước: “Không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”. V.I.Lênin cũng đã xác định: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được”. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã khẳng định quan điểm đúng đắn trên đây.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn coi trọng sức mạnh to lớn của nhân dân. Theo Người: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Đồng thời, Hồ Chí Minh xác định: “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Vì vậy, Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người khẳng định: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc, lợi dân”.

Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao sức mạnh của nhân dân khi tham gia cách mạng, Người dạy: “Không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không được, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được”. Người thường xuyên nhắc nhở: “Muôn người như một. Quân tốt dân tốt, muôn sự đều nên. Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Người cũng chỉ ra rằng: Đảng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhân dân bằng đường lối, chính sách và khi Đảng, Nhà nước chăm lo tốt cho nhân dân thì mọi việc của Đảng, Nhà nước sẽ được nhân dân ủng hộ: “…cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

Vì vậy, tháng 01/1959, trong bài viết “Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay”, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Dưới ngọn cờ vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Lao động Việt Nam luôn luôn hết lòng trung thành phục vụ nhân dân, phục vụ những người lao động… kiên quyết lãnh đạo nhân dân Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ cao cả - thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Ngay từ tháng 9/1953, khi viết bài đăng trên Báo Cứu quốc, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo vì: Dù nhân dân nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô đế quốc xâm lược vẫn còn. Vì phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội cho nên Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo, giáo dục quần chúng, để đưa nhân dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn”. Người chỉ rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với nhân dân, phải chăm lo toàn diện, trọn vẹn cho dân: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến việc gương mẫu, theo tinh thần “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”, Người dạy: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” và “Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam luôn xác định rõ vai trò, vị trí to lớn của nhân dân trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành đất nước. Đảng và Nhà nước ta kiên định với mục đích, mục tiêu cao nhất là tất cả vì nhân dân, ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc thì “không có lợi ích nào khác”. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Thực tế cách mạng Việt Nam cũng chứng minh rõ rằng nhân dân ta luôn giữ đúng mối quan hệ hữu cơ, đoàn kết thống nhất, tin tưởng, đồng hành, đồng thuận với Đảng, Nhà nước. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, lúc thuận lợi cũng như khi khó khăn, nhân dân vẫn tuyệt đối giữ vẹn tròn sự tin yêu với Đảng, Nhà nước, đi theo con đường mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã lựa chọn, con đường chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều rất đáng quý, đáng trân trọng là người dân Việt Nam luôn hiểu và thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân của mình, hoàn thành nhiệm vụ ở cương vị, công việc của mình, theo đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

Trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần nói về mối quan hệ máu thịt, tốt đẹp và sức mạnh to lớn của “Ý Đảng, lòng dân”. Mới đây, Nghị quyết của Đảng lại tiếp tục nhấn mạnh, khẳng định trên con đường phát triển của Đảng và dân tộc Việt Nam: “Phát huy ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc, sự thống nhất của “Ý Đảng, lòng dân”, chúng ta quyết tâm thực hiện thật tốt hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp mà các văn kiện trình Đại hội XIII đã đề ra để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới”…

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang tăng cường đoàn kết thống nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”./.

Cùng chuyên mục
  • Điều kiện phát triển đô thị biển Việt Nam
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đô thị ven biển có lịch sử hàng nghìn năm trước công nguyên, thậm chí có thể nói không ngoa là thoạt đầu những đô thị đầu tiên của loài người chính là những đô thị biển.
  • Đồng hành vì sự phát triển của ngành nghề kiểm toán
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Báo Kiểm toán đã trở thành tiếng nói của ngành kiểm toán, mang lại cái nhìn sâu sắc và kiến thức cần thiết dưới các hình thức năng động và quảng bá các giá trị thông qua các sản phẩm có kiến thức chuyên môn cao. Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) hân hạnh đóng góp một phần trong các hoạt động của Báo Kiểm toán những năm qua và chúng tôi hy vọng hai bên sẽ hợp tác ngày càng chặt chẽ, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành nghề kiểm toán, đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của toàn cầu trong tương lai.
  • Khi lan đột biến bị thổi giá và sốt ảo
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thời gian gần đây, cơn sốt lan đột biến dần định hình và lan tỏa, với nhiều thương vụ diễn ra liên tục, được thông tin rầm rộ trên mạng hoặc công khai trong cộng đồng người chơi lan ở nhiều tỉnh trên phạm vi cả nước.
  • Không ta tự làm khó ta, khổ dân
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 21/02/2021, Bộ Công Thương có Công văn số 901/BCT-TTTN đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (trước đó, Sở Công Thương Hải Dương đã đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), báo cáo Chính phủ chỉ đạo các địa phương xem xét, thống nhất cách áp dụng các biện pháp phòng dịch cho người, phương tiện, hàng hoá).
“Có lực lượng nhân dân, việc khó mấy, to mấy làm cũng được”