Có nên cho phép tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện?

(BKTO) – Tại phiên thảo luận trực tuyến sáng 10/01 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung góp ý vào nội dung liên quan đến việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực, trong đó có việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải.



Theo đề xuất của Chính phủ, để thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút, xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Điều 5 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực theo hướng quy định Nhà nước độc quyền trong “vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”; “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ”; “Các tổ chức hoạt động điện lực và sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật được quyền đấu nối vào lưới điện do thành phần kinh tế đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển điện lực”.

Xung quanh nội dung này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP. Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc thể chế hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho phép khối tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết, tuy nhiên, thể chế hóa như thế nào cho đúng và phù hợp với thực tế là vấn đề cần phải cân nhắc, thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, DN và Nhà nước.

Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định, Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, Nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng. Quy định như trên chưa rõ về mặt nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng.                
   

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định cụ thể: Thứ nhất cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và loại nào do Nhà nước quy hoạch và chỉ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện. Thứ hai cần quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư. Thứ ba, quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của DN được phép đầu tư.

Về tính an toàn của hệ thống, theo dự thảo Luật thì sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành và việc này sẽ dẫn đến thực tế trong cùng một hệ thống sẽ có những chủ thể vận hành khác nhau.

“Tham khảo ý kiến của các chuyên gia cho thấy, hệ thống lưới điện truyền tải cần có sự điều hành thống nhất, đặc biệt là với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay. Nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống. Vì vậy, tôi cho rằng cần cân nhắc thận trọng, tránh gây ra hậu quả sau này” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề xuất.

Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị, cần đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá điện, không tác động đến người tiêu dùng. Đồng thời, quy định cụ thể cơ chế định giá, phương pháp định giá khi DN đầu tư, xây dựng thì có thể chuyển giao cho Nhà nước quản lý, vận hành, để có căn cứ thực hiện.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc xây dựng hệ thống truyền tải và sự cho phép tư nhân tham gia sẽ nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân. Đồng thời, việc xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực sẽ hỗ trợ phát triển nhanh chóng hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, trước lo ngại việc xã hội hóa phân bổ nguồn điện sẽ ảnh hưởng đến an ninh, đại biểu cho rằng, nếu Nhà nước quản lý, vận hành tốt sẽ không ảnh hưởng gì mà còn có lợi cho dân. Chính vì thế, cần có quy hoạch mạng lưới truyền tải điện rõ ràng, phân định công đoạn nào là độc quyền của Nhà nước, công đoạn nào tư nhân có thể tham gia xã hội hóa để có quản lý rõ ràng, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa phát triển được hệ thống điện quốc gia nhưng DN sản xuất kinh doanh và người dân cùng được hưởng lợi.

Đại biểu Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương) cũng có chung quan điểm cho rằng, việc thiết lập một cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực ngoài Nhà nước tham gia vào khâu truyền tải điện đến đâu và vai trò kiểm soát điều tiết của Nhà nước thế nào thì cần phải tính toán thận trọng và chắc chắn. Theo quy định của dự thảo Luật thì Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước xây dựng. Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa chặt chẽ, chưa thể hiện được vai trò cần và đủ của Nhà nước trong việc kiểm soát và bảo đảm an ninh, an toàn truyền tải điện trong mọi hoàn cảnh, tình huống.

“Tôi đề nghị quy định này cần phải chỉnh lại theo hướng Nhà nước không độc quyền nhưng có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ tác động ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả công trình đó là do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng” - đại biểu Vũ Huy Khánh đề xuất.
ĐĂNG KHOA





Cùng chuyên mục
Có nên cho phép tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện?