Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư: sẽ đưa vào vận hành từ năm 2020.

Để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, Bộ Công an đang tích cực tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020



Theo nội dung Thông báo 153/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình- Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896), đến năm 2018 Đề án 896 đã hoàn thành: 19/20 Nghị quyết Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành đã được ban hành; nhiều bộ, ngành cũng đã ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ; nguồn vốn thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Quốc hội đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc thu thập thông tin dân cư đã đạt khoảng 86%, trong đó có 16 địa phương đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư; Bộ Tư pháp đã cấp được gần 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 địa phương; Bộ Công an cấp 12 triệu thẻ Căn cước công dân tại 16 địa phương...
                
   

Ảnh minh họa

   

Tuy các Bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua, nhưng một số nhiệm vụ, nhất là việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chưa bảo đảm tiến độ do chờ phân bổ nguồn vốn; việc thu thập thông tin dân cư cũng chưa hoàn thành. Đồng thời, vẫn còn bộ, ngành chưa ban hành kế hoạch để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan khẩn trương đề xuất phân bổ nguồn vốn để thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng Nghị quyết số 71/2018/NQ-QH ngày 12/11/2018 của Quốc hội, bảo đảm tập trung đầu tư đúng, không dàn trải và phải hiệu quả.

Nhiệm vụ của Bộ Công an là tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân; tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2021- 2025; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, trước hết là kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu khác theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục triển khai, chuẩn hóa thông tin, thu thập thông tin dân cư và mở rộng việc cấp số định danh cá nhân tại các địa phương theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc phát hiện, thu thập thông tin, chuẩn hóa và cập nhật kịp thời khi có thay đổi để bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư luôn được chính xác. Trong quá trình thu thập dữ liệu dân cư, phải có sự chia sẻ giữa các cơ quan có liên quan về kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc năm 2019, bảo đảm chính xác, không trùng lặp, tránh lãng phí.

Quá trình thu thập thông tin về dân cư có nhiều trường hợp phải đính chính, sửa đổi, bổ sung do thông tin còn thiếu hoặc chưa chính xác. Để xử lý vấn đề này, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xác định đây là nhiệm vụ của mình trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, đăng ký, quản lý cư trú, do vậy phải chủ động xử lý hoặc phối hợp xử lý để tạo thuận lợi cho nhân dân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên, dữ liệu dùng chung, do vậy, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu, quy định cụ thể đối tượng, mức thu,.. khi xây dựng Thông tư quy định, hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm đúng quy định pháp luật về phí, lệ phí, nhưng phải tạo thuận lợi cho các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính.

THÙY CHI
Cùng chuyên mục
  • Chỉ số PAPI năm 2018: Tham nhũng giảm, chất lượng dịch vụ công cần cải thiện
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- Ghi nhận sự cải thiện về điểm số đối với chỉ số đánh giá về kiểm soát tham nhũng, Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 cũng nêu rõ các địa phương cần cải thiện mức độ công khai, minh bạch thông tin về quản lý đất đai cũng như cải thiện chất lượng dịch vụ công nói chung.
  • Thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế  Việt Nam
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ấn phẩm Sách Trắng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) vừa công bố đã nêu lên những vấn đề then chốt đối với hoạt động của DN và nhấn mạnh những đề xuất hành động, hướng đi cụ thể mà Chính phủ có thể thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh và hệ thống pháp lý, thúc đẩy thương mại, đầu tư từ châu Âu, cũng như nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
  • Đô thị hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam: Xu hướng đổi mới và điều kiện phát triển
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- Đây là tên gọi của Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng tổ chức ngày 20/3, tại Hà Nội.
  • Tìm đường mở rộng xuất khẩu cho nông sản Việt
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 40 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2019, xuất khẩu nông sản sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do phương thức sản xuất, tiêu thụ còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp; trong khi những thị trường lớn, nhiều tiềm năng luôn đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng. Vì vậy, việc tìm đường xuất khẩu cho nông sản vẫn là nỗi trăn trở lớn đối với các chuyên gia, nhà quản lý.
  • Thêm 05 dự án của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 2 tháng đầu năm 2019, Việt Nam có 05 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 6,05 triệu USD.
Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư: sẽ đưa vào vận hành từ năm 2020.