Còn nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(BKTO) - Đây là nhận định của các Ủy viên Hội đồng Quản lý (HĐQL) bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Kỳ họp quý IV năm 2022 của Hội đồng, diễn ra ngày 09/12. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Chủ tịch HĐQL BHXH chủ trì kỳ họp

img_1326_20221209034607pm.jpg
Toàn cảnh Kỳ họp quý IV của HĐQL BHXH. Ảnh: baohiemxahoi.gov.vn

Theo báo cáo tại kỳ họp, trong 11 tháng năm 2022, HĐQL BHXH đã thực hiện nhiều nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định; hoàn thành tốt chương trình công tác theo Kế hoạch năm đề ra và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. HĐQL BHXH đã chủ động bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; các thành viên HĐQL BHXH đã thông qua và có những kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) kịp thời, hiệu quả.

HĐQL BHXH đã chỉ đạo xây dựng và thông qua chiến lược phát triển của Ngành BHXH Việt Nam, kế hoạch dài hạn, 5 năm, hằng năm và thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BHTN, đề án bảo toàn và tăng trưởng các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; kiện toàn hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam; cơ chế quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHTN, BHYT; kịp thời tháo gỡ những khó khăn để đảm bảo quyền lợi của người dân, các doanh nghiệp cùng ngành BHXH Việt Nam hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của BHXH Việt Nam, các ủy viên HĐQL BHXH đánh giá, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, có nhiều lĩnh vực được đẩy mạnh như công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Công tác thu, phát triển đối tượng, chi trả các chế độ cho người tham gia được bảo đảm. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Công tác đầu tư quỹ bảo đảm an toàn, hiệu quả theo quy định.

Tuy nhiên, các thành viên HĐQL BHXH cũng nhận định, còn không ít khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ của Ngành thời gian tới. Thị trường lao động suy giảm, tình trạng thất nghiệp hiện đang có xu hướng gia tăng sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các chính sách BHXH, BHTN. Bên cạnh đó, tình trạng nợ BHXH, BHYT, nhận BHXH một lần vẫn tiếp diễn phức tạp, để lại nhiều hệ lụy, khiến nhiều người lao động không đủ điều kiện nhận lương hưu, ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài…

Vì vậy, BHXH Việt Nam cần có đánh giá tổng thể, chi tiết về những vấn đề này, đưa ra các giải pháp; trong đó cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, tiếp tục đổi mới công tác truyền thông, phát huy hơn nữa vai trò của các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương trong tiếp cận tuyên truyền, vận động người dân, người lao động tham gia BHXH, BHYT một cách bền vững, hướng tới các nhóm còn nhiều “dư địa” như: nông dân, hội viên hợp tác xã; tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình xây dựng, sửa đổi các Luật BHXH, việc làm thời gian tới để có các chính sách đặc thù, căn cứ pháp lý, hạn chế các bất cập, vướng mắc trong thực hiện các chính sách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Phát biểu kết luận kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Chủ tịch HĐQL BHXH nhấn mạnh, BHXH, BHYT là các chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước. Việc quản lý, đảm bảo hoạt động của các quỹ này là rất quan trọng, phải làm sao để quỹ luôn đảm bảo an toàn, bền vững, phát triển để quyền lợi của người tham gia ngày càng tốt hơn, góp phần đảm bảo an sinh, an ninh, trật tự xã hội.

Chủ tịch HĐQL BHXH yêu cầu, thời gian tới, toàn Ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao và kế hoạch của HĐQL BHXH đã ban hành.

Theo đó, BHXH Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó chú trọng đến đào tạo con người để làm chủ công nghệ; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra, giám sát, kết nối mạnh mẽ các hệ thống, dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý, điều hành, phát hiện các gian lận, trùng lặp trong đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

Về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để góp ý hoàn thiện, tạo thuận lợi trong triển khai, thực hiện thời gian tới, đáp ứng yêu cầu, thay đổi từ thực tiễn xã hội, thị trường lao động…

BHXH Việt Nam cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, nhất là phát triển BHXH tự nguyện. Đối với lĩnh vực đầu tư quỹ cần tiếp tục được cải thiện trên nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; nâng cao công tác quản lý công tác thu, chi, xử lý các tồn tại trong thẩm quyền.

Về dự toán ngân sách và quyết toán, Chủ tịch HĐQL BHXH đề nghị BHXH Việt Nam cần thực hiện công khai, đảm bảo sự minh bạch; xây dựng dự toán sát với tình hình thực tế và có báo cáo thường xuyên về Hội đồng quản lý để các thành viên theo dõi, nắm bắt. Đối với thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh cần chủ động nghiên cứu và đưa ra các giải pháp giải quyết những tồn tại để xử lý sớm, tránh kéo dài; đối với nội dung vượt thẩm quyền của BHXH Việt Nam cần báo cáo ngay các cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, ngành cần tiếp tục kiện toàn, tinh gọn, nâng cao trình độ quản lý, năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ người tham gia BHXH, BHTN, BHYT ngày càng tốt hơn.

Cùng chuyên mục
Còn nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế