Còn nhiều việc phải làm để chị em phụ nữ có cuộc sống tốt đẹp hơn

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc gặp mặt đại diện các thế hệ phụ nữ, các tấm gương phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chiều 19/10.



                
   

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Xuyên suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam luôn có vai trò đặc biệt. Ảnh: chinhphu.vn

   

Đặc biệt, cuộc gặp mặt có sự tham dự của các Mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện phụ nữ là công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang, trí thức, doanh nhân, các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn… trên cả nước.

Có chính sách quan tâm, hỗ trợ trực tiếp, khẩn cấp cho một số nhóm phụ nữ và trẻ em

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nêu rõ, năm 2021 có dấu ấn đặc biệt đối với phụ nữ Việt Nam, với việc lần đầu tiên từ khi đất nước đổi mới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. Chính phủ đã ra nghị quyết ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Lần đầu tiên, trong một chương trình mục tiêu quốc gia có dự án chuyên biệt về bình đẳng giới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác đều thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

Cũng theo bà Hà Thị Nga, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua, cán bộ, hội viên và các lực lượng phụ nữ rất phấn khởi trước những chủ trương, quyết sách kịp thời của Đảng và Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; các gói hỗ trợ cho người lao động, các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ.

Bà Hà Thị Nga đề nghị xem xét, có chính sách quan tâm, hỗ trợ trực tiếp, khẩn cấp cho một số nhóm phụ nữ và trẻ em (lao động nữ bị nhiễm Covid-19 đang mang thai hoặc sinh con từ năm 2020 đến ngày 31/10/2021; đội ngũ nữ y bác sĩ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch; trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19…); chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động nữ khu vực phi chính thức và chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ…

Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu phụ nữ đã phát biểu, chia sẻ về công việc, cuộc sống, những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực công tác, làm việc… và nêu một số tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành.
                
   

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng hoa các đại biểu
   dự cuộc gặp mặt. Ảnh: chinhphu.vn

   

Triển khai một số chính sách đối với phụ nữ mang tính tổng thể, toàn diện

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Xuyên suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam luôn có vai trò đặc biệt, không những hoàn thành tốt thiên chức của mình mà còn lập nhiều chiến công trong các cuộc kháng chiến đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, trong suốt hành trình gian nan chống dịch Covid-19, chúng ta đã chứng kiến nhiều tấm gương sáng của chị em phụ nữ tham gia tuyến đầu chống dịch, đối mặt với nhiều hiểm nguy và phải gác lại hạnh phúc, nỗi niềm riêng tư, có chị em đã ra đi mãi mãi.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách đối với phụ nữ như chính sách bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, tạo cơ hội việc làm… Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế và có nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội, cho nhân dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định, chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước và dứt khoát không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta trăn trở khi vẫn còn nhiều rào cản về văn hóa, chính sách ảnh hưởng đến sự phát triển phụ nữ và trẻ em gái; nhiều chị em làm việc trong các khu công nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nhà ở khi phải đối mặt với dịch Covid-19; nhiều trẻ em thiếu trường học, nhà trẻ; những câu chuyện đau lòng khi bé gái bị xâm hại; việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn hạn chế…

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ: Tất cả những bất cập đó sẽ dần được giải quyết khi chúng ta nhìn nhận ra vấn đề để nghiên cứu, ban hành, điều chỉnh và triển khai một số chính sách đối với phụ nữ mang tính tổng thể, toàn diện. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ chính sách đối với phụ nữ, trẻ em.

Thủ tướng đề nghị ngay sau cuộc gặp mặt này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ có liên quan, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan khác rà soát các chủ trương của Đảng với phụ nữ và trẻ em chưa được cụ thể hóa, thể chế hóa, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chính phủ sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách để đảm bảo cuộc sống của công nhân, trong đó có nữ công nhân trong các khu công nghiệp, nhất là chính sách về nhà ở, nhà trẻ, trường học để chị em phụ nữ yên tâm lao động, sản xuất. Thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch, bố trí đất đai và huy động nguồn vốn để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.

Các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách đối với nữ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chính sách đối với trí thức, nhà khoa học, công nhân, nông dân, vận động viên nữ, nhất là vận động viên khuyết tật.

Thủ tướng đánh giá cao chương trình “Mẹ đỡ đầu” và các sáng kiến khác, thể hiện vai trò hàn gắn “vết thương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức xã hội dành cho các em bé mồ côi do thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác. Các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần chung tay hỗ trợ Hội và các tổ chức xã hội thực hiện thành công các sáng kiến này.../.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Còn nhiều việc phải làm để chị em phụ nữ có cuộc sống tốt đẹp hơn