Công bố kết quả kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19

(BKTO) - Chiều 01/7, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), trong khuôn khổ cuộc họp báo công bố công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020, ông Lê Tùng Lâm - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III đã trình bày Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”.




                
   

ÔngLê Tùng Lâm - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III trình bày Báo cáo.Ảnh: N.LỘC

   

Báo cáo kiểm toán nêu rõ, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu nên công tác phòng chống dịch đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Nhờ đó, cả nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, cả nước bước sang giai đoạn bình thường mới.

Trong nhiều yếu tố góp phần vào thành công của công tác phòng chống dịch phải kể đến yếu tố đảm bảo nguồn lực và các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, phục hồi phát triển kinh tế… Theo số liệu kiểm toán, tổng nguồn lực đã huy động đến 31/12/2021 là 376.217 tỷ đồng. Ngoài ra, NSNN còn hỗ trợ các địa phương 142.017,3 tấn gạo; tổng số phân bổ, sử dụng giai đoạn 2020-2021 là 351.177 tỷ đồng. Cơ bản nguồn lực toàn xã hội (chủ đạo là nguồn lực Nhà nước) đã được phân bổ, các đơn vị quản lý, sử dụng kịp thời, phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ (gia hạn, giảm thu thuế, miễn thuế hải quan; miễn, giảm lãi suất; hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi kinh tế…) được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, cơ bản phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động gây sốc, tiêu cực của đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội.
                
   

Quang cảnh Họp báo.Ảnh: N.LỘC

   

Song song với những kết quả quan trọng đạt được, KTNN đã chỉ ra nhiều sai sót, bất cập trong công tác huy động, phân bổ nguồn lực; quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch; quản lý, sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư, sinh phẩm khác; việc tiếp nhận và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ bằng tiền; thu dịch vụ xét nghiệm. Đồng thời, KTNN cũng đánh giá về những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Trong đó, liên quan đến công tác huy động, phân bổ nguồn lực, ông Lê Tùng Lâm nhấn mạnh, có cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ quy định trong việc huy động các nguồn kinh phí, việc tổng hơp số liệu huy động chưa đầy đủ, số báo cáo giữa các đơn vị tại một số nơi chưa đồng nhất. Một số đơn vị lập dự toán chưa đầy đủ cơ sở, căn cứ; phân bổ, giao dự toán chưa kịp thời, chưa sát thực tế, chưa đúng nhu cầu hoặc giao kinh phí phòng chống dịch khi chưa sử dụng hết nguồn kinh phí kết dư dự phòng; có đơn vị phải thu hồi, hủy dự toán, kinh phí chi chuyển nguồn lớn. Nguồn lực huy động bằng tiền, bằng hàng hóa được thực hiện trong thời gian ngắn, chưa có hướng dẫn, tiêu thức, phương án phân bổ phù hợp; chưa được theo dõi một cách chặt chẽ, chưa bảo đảm đầy đủ chứng từ tiếp nhận, phân bổ, tài liệu ghi nhận giá trị.

Trong quản lý và sử dụng vắc xin, việc xây dựng kế hoạch tiêm chủng tại một số địa phương chưa sát thực tế, chưa ưu tiên sử dụng các lô vắc xin cận hạn; chưa bao quát đầy đủ đối tượng được ưu tiên; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả, số lượng, hồ sơ tiêm chủng định kỳ và cập nhật số mũi tiêm lên hệ thống nền tảng quản lý tiêm chủng; các hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác quản lý vắc xin, thực hiện tiêm chủng chưa được lưu giữ chặt chẽ.

Liên quan đến việc quản lý và sử dụng kit test, trong giai đoạn 2020-2021 các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kit test xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất.

KTNN cũng ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả… hoặc thiếu thông tin chi tiết chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là 1.061 tỷ đồng và mượn bằng hiện vật không có giá trị.

Trong thực hiện chi cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; chi thanh toán khám, điều trị bệnh nhân Covid-19 còn có tình trạng chi trùng đối tượng, chi không đúng đối tượng, không đúng định mức; chứng từ thanh toán chưa đầy đủ; thực hiện chi trả chưa kịp thời…
                
   

Cuộc họp báo thu hút sự tham dự củađôngđảo các cơ quan báo chí.Ảnh: N.LỘC

   

Từ những bất cập được phát hiện qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật đối với những sai phạm đã được KTNN chỉ ra; đồng thời nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập và rút ra những bài học kinh nghiệm.

Trong đó, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 3.431,2 tỷ đồng; xử lý khác 3.358,5 tỷ đồng.

KTNN cũng yêu cầu chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những tồn tại, hạn chế trong việc huy động các nguồn lực phòng, chống dịch; công tác phân bổ trang thiết bị, vật tư, thuốc chưa có đầy đủ hồ sơ, tài liệu; phân bổ vắc xin chưa phù hợp thực tiễn; phân bổ dự toán chưa bảo đảm cơ sở thuyết minh, chưa sát thực tế, chưa quản lý, lưu giữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu phân bổ; chưa kịp thời cập nhật quy định về định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ xét nghiệm để thực hiện xây dựng giá dịch vụ xét nghiệm; sử dụng Quỹ ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 không đúng mục đích tài trợ, đối tượng; chưa nộp kịp thời về Quỹ vắc xin số còn dư đến 31/12/2021; ban hành văn bản, chính sách hướng dẫn còn chậm, hiệu quả thấp, không đạt mục tiêu hoặc chưa bảo đảm thẩm quyền, không bao quát đầy đủ đối tượng, không phù hợp quy định; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động chưa kịp thời, chưa bảo đảm quy định; có tình trạng hỗ trợ trùng lắp đối tượng.

Cùng với những kiến nghị xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật đối với những sai phạm đã được KTNN chỉ ra; KTNN yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tại các địa phương, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố cần rà soát, sửa đổi, ban hành mới một số văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách./.

H.THOAN - N.LỘC - T.THIỆN
Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán nhà nước họp báo công khai kết quả kiểm toán năm 2021
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiều 01/7, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Họp báo công bố công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2020 và Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”.
  • Kiểm toán nhà nước chuẩn bị Họp báo công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán và thực hiện kiến nghị kiểm toán
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) – Theo dự kiến, chiều mai (01/7), tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, KTNN sẽ tổ chức Họp báo công bố: Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021; Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2020; Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ” của KTNN.
  • Chú trọng, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trong bối cảnh các đối tượng kiểm toán đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành theo lộ trình chuyển đổi số, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng cần có sự thay đổi để thích ứng. Trong đó, sự thay đổi của kiểm toán viên đóng vai trò quyết định, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.
  • Hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng dưới góc nhìn của Kiểm toán nhà nước
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhiều điểm sáng trong kết quả hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và 09 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Tuy nhiên, qua lăng kính của KTNN, vẫn còn nhiều bất cập cần chấn chính để đảm bảo việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản chặt chẽ, hiệu quả hơn.
  • RSM tư vấn thương vụ sáp nhập Caboodle vào Access
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Mới đây, hãng kiểm toán RSM đã tư vấn cho Caboodle - Tập đoàn Tư vấn nhân sự hàng đầu Vương quốc Anh được thành lập vào năm 2009, về việc sáp nhập vào Công ty Nhân sự Access - thành viên của Tập đoàn Access, nhà cung cấp phần mềm quản lý kinh doanh hàng đầu cho các tổ chức, DN tầm trung trên khắp Vương quốc Anh, Ireland và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Công bố kết quả kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19