Công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050

(BKTO) - Sáng 09/10, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề "Tiềm năng và khát vọng". Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị.

ctqh-1696816616490.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: daibieunhandan.vn

Phấn đấu trở thành khu vực phát triển động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Theo Quyết định số 995/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được công bố tại Hội nghị, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030: là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Về kinh tế, Quy hoạch xác định: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 27%; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 14.000 tỷ đồng. Kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt khoảng 45%...

Về tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xác định, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Quy hoạch xác định 3 đột phá phát triển gồm: Một là, huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng có tính chiến lược, lan tỏa, trọng tâm là hạ tầng giao thông,, cảng biển, các hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Hai là, cải cách hành chính, đến năm 2030, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên địa bàn tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ba là, phát triển nguồn nhân lực gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cũng theo bản Quy hoạch, thời gian tới Sóc Trăng sẽ tổ chức hai hành lang kinh tế là hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây; tổ chức bốn vùng kinh tế - xã hội là vùng ven biển, vùng ven sông Hậu, vùng nội địa, vùng Cù Lao Dung.

Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, Sóc Trăng là một trong 13/63 tỉnh, thành của cả nước và 2/13 tỉnh thành của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt xong quy hoạch tỉnh. Đây là căn cứ, định hướng tiền đề để Sóc Trăng hiện thực hóa khát vọng phát triển của mình.

ctqh-a3-1696816616740.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: daibieunhandan.vn

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Sóc Trăng tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch phải gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương, nhất là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về “phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Để triển khai thực hiện thành công quy hoạch, Phó Thủ tướng lưu ý, tỉnh phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân…

Tỉnh cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại; định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân; tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số…

Cùng chuyên mục
Công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050