Thông tin từ Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn cho biết, Sở đã đề xuất UBND tỉnh xem xét Giao Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan: Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Hải quan, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ, UBND huyện Văn Lãng và các cơ quan, đơn vị có liên quan làm tốt công tác chuẩn bị; chủ động trao đổi với các cơ quan, đơn vị chức năng, địa phương của phía Trung Quốc để triển khai công tác mở rộng cửa khẩu đường bộ này.
Đây được cho là tín hiệu tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, trung bình từ ngày 01/01/2023 đến 20/7/2023, mỗi ngày có khoảng 179 xe xuất khẩu, tổng phương tiện xuất khẩu đạt 35.851 xe, tăng 219,1% so với cùng kỳ năm 2022. Số phương tiện nhập khẩu đạt trung bình đạt 396 xe/ngày, tổng phương tiện nhập khẩu đạt 78.944 xe, tăng 156,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Những tháng cuối năm là mùa cao điểm xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp hai nước, nhu cầu thông quan hàng hóa được dự báo tăng mạnh. Do đó, việc mở rộng cửa khẩu như đề xuất từ phía Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước.
Việc sớm mở rộng khu vực cửa khẩu này sẽ thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang nước bạn. Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc tăng mạnh như: sầu riêng, chuối, mít, xoài, gạo… sẽ tiếp tục có cơ hội tăng trưởng.
Song song với mở rộng cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Quảng Tây, mới đây, tỉnh Lạng Sơn và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã thống nhất cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Theo đó, dự án cửa khẩu thông minh sẽ do phía Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) triển khai dựa trên định vị vệ tinh và công nghệ 5G. Dự án sử dụng xe tự hành vận chuyển công-ten-nơ không người lái AGV, thiết bị cẩu tự động, hệ thống bản đồ thông minh và có thể hoàn thành việc trao đổi thông tin logistics xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cho phép thông quan hàng hóa tự động không người trực 24 giờ liên tục trong ngày.
Vốn đầu tư dự án do phía Trung Quốc thực hiện vào khoảng 1,062 tỷ nhân dân tệ, thời gian xây dựng khoảng 15 tháng kể từ ngày khởi công, dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12/2024.
Dự án cửa khẩu thông minh Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) được triển khai xây dựng sẽ đưa hoạt động thông quan giữa hai bên lên một tầm cao mới, việc thông quan hàng hóa qua hai cửa khẩu sẽ đạt được mục tiêu 24 giờ “không đóng cửa” và “không phải chờ đợi”. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa qua lại giữa hai cửa khẩu./.