Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2024 được công bố theo 2 danh sách: Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2024 và Top 500 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2024.
Trong đó, Top 10 của các danh sách này thuộc về các doanh nghiệp sau:
Theo ông Vũ Đăng Vinh - Tổng Giám đốc Vietnam Report, trải qua 8 năm công bố nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có khả năng tạo lợi nhuận cao và bền vững, Bảng xếp hạng PROFIT500 đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc ghi nhận một cách xứng đáng đóng góp của những doanh nghiệp hàng đầu, rường cột phát triển của đất nước.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro và biến động khó lường, ý nghĩa của việc tìm kiếm các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất càng được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và công chúng mong chờ hơn bao giờ hết. Từ đó, PROFIT500 góp phần giới thiệu và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế - ông Vinh nhấn mạnh.
Phân tích về kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng, ông Phùng Hoàng Cơ - Phó Chủ tịch HĐQT Vietnam Report cho biết, xét về tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân của các doanh nghiệp thuộc Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2024, khu vực FDI tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu và cho thấy khả năng tận dụng tài sản để tạo ra lợi nhuận tốt hơn khi tăng lên mức 14,5% (+0,8% so với năm 2023).
Như vậy, FDI là khu vực duy nhất ghi nhận sự cải thiện nhẹ trong khi hai khu vực còn lại đều chứng kiến sự suy giảm về hiệu suất tài chính. Tỷ lệ ROA bình quân của khu vực tư nhân đạt 10,1% trong khi khu vực Nhà nước đạt 7,7% (tương ứng với mức giảm 1,1% và 1,5% so với kết quả thống kê cách đây một năm) nên lần lượt giữ vị trí thứ hai và thứ ba - ông Phùng Hoàng Cơ cho hay.
Về khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), bức tranh chung phản ánh những khó khăn trong duy trì hiệu quả sử dụng vốn, khi cả ba khu vực kinh tế đều ghi nhận sự sụt giảm.
Theo kết quả thống kê từ bảng xếp hạng, khu vực FDI giảm nhẹ xuống còn 30,7% song vẫn thể hiện khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu vượt trội so với các khu vực khác.
Mức giảm mạnh nhất được ghi nhận ở khu vực tư nhân (từ 27,4% năm 2023 xuống 23,8% năm 2024) trong khi khu vực Nhà nước ghi nhận năm thứ ba liên tiếp ở vị trí cuối với tỷ lệ ROE bình quân đạt 15,7%, cho thấy sự cần thiết của những cải cách để tối ưu hiệu quả sử dụng vốn trong tương lai.
8 tháng đầu năm 2024 đánh dấu giai đoạn từng bước chuyển sang phục hồi của nền kinh tế Việt Nam với sự cải thiện rõ rệt ở nhiều chỉ số. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bứt phá vượt kỳ vọng với GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ (chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 5 năm trở lại đây).
Đáng chú ý, sau gần 2 năm, khu vực công nghiệp và xây dựng đã khôi phục vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế bên cạnh khu vực dịch vụ, khi ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong ba khu vực là 7,51% trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (mức tăng cùng kỳ năm 2023 là 1,13%). Kể từ tháng 3 năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) duy trì tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam hiện thoát vùng suy giảm và duy trì trên ngưỡng 50 điểm trong 4 tháng liên tiếp, với mức 54,7 điểm (mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 5/2022) duy trì trong tháng 6-7 năm nay, báo hiệu sự củng cố đáng kể các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
Song song với đó, so với mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái, hoạt động thương mại 7 tháng đầu năm 2024 sôi động trở lại với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng hai chữ số, đạt 439,88 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 226,98 tỷ USD tăng 15,7%, nhập khẩu đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5%.
Quý II/2024 cũng chứng kiến sự đảo chiều tích cực trong hoạt động đăng ký kinh doanh so với quý trước đó khi số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập vượt số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đánh dấu sự cải thiện và niềm tin trở lại trong cộng đồng doanh nghiệp./.