Công khai Báo cáo tài chính nhà nước: Nỗ lực và băn khoăn

(BKTO) - Trong nhiều nỗ lực minh bạch của Chính phủ thời gian qua, nỗ lực để công khai báo cáo tài chính nhà nước trên các phương tiện thông tin được dư luận cũng như các chuyên gia kinh tế đánh giá là một điểm nhấn quan trọng và nổi bật. Hành động này thể hiện bước tiến mới trong công tác quản lý, điều hành tài chính của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, phù hợp với chuẩn mực kế toán công và thông lệ quốc tế. Để thúc đẩy quá trình này, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định về Báo cáo tài chính nhà nước.



Tại sao phải thực hiệnBáo cáo tài chính nhà nước?

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, báo cáo tài chính của các đơn vị, các thông tin tài chính nhà nước cơ bản đã được theo dõi, thể hiện từng phần hoặc khá chi tiết. Tuy nhiên, do đặc thù của yêu cầu quản lý và đặc điểm của hệ thống kế toán mà những thông tin đó còn rải rác, phân tán. Ví dụ, vẫn còn một số đối tượng kế toán chỉ được theo dõi chủ yếu dưới hình thức thống kê mà chưa được hạch toán, kế toán một cách đầy đủ, cụ thể như các khoản công nợ, tài sản nhà nước, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, các khoản nợ của Chính phủ, các công trình cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, các thông tin này cũng chưa được tổng hợp một cách đầy đủ và bài bản theo đúng yêu cầu của quản lý tài chính nhà nước.

Hơn nữa, Việt Nam chưa ban hành quy định để tổ chức và triển khai hệ thống báo cáo chung của Chính phủ, chính quyền địa phương trên phạm vi toàn quốc hoặc từng địa phương đối với tài sản nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn hình thành tài sản và nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu, chi và kết quả hoạt động tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN); tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính, NSNN.... Vì vậy, việc đánh giá hiệu quả chi tiêu công, phân tích khả năng tài chính của đất nước, của từng địa phương và việc đánh giá hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách vẫn còn một số hạn chế.

Để khắc phục các hạn chế trong công tác thông tin tài chính nhà nước như trên, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Nghị định Báo cáo tài chính nhà nước gồm 5 Chương, 24 Điều. Theo đó, Báo cáo tài chính nhà nước cung cấp thông tin kinh tế, tài chính làm căn cứ để phân tích khả năng tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương, đánh giá hiệu quả chi tiêu công và hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách về kinh tế, tài chính, ngân sách. Báo cáo này phải đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình tài sản nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trong kỳ báo cáo.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, mục tiêu của báo cáo tài chính nhà nước là cung cấp thông tin về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương, bao gồm: tài sản nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước làm căn cứ để đánh giá hiệu quả chi tiêu công, phân tích khả năng tài chính của đất nước, của từng địa phương, đánh giá hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách.

Trên cơ sở đó, việc lập báo cáo tài chính nhà nước sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương. Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ NSNN hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi toàn quốc; Báo cáo tài chính nhà nước cấp tỉnh phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ NSNN hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo tài chính nhà nước sẽ công khai như thế nào?

Bộ Tài chính cho biết, các mẫu biểu báo cáo tài chính nhà nước được xây dựng theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, bao quát được toàn bộ các đối tượng kế toán nhà nước hiện có hoặc có thể phát sinh; đảm bảo tính lâu dài, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính nhà nước ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Căn cứ vào tình hình thực tế của Việt Nam, cùng với việc nghiên cứu chuẩn mực kế toán công quốc tế và chọn lọc vận dụng kinh nghiệm của một số nước, các biểu mẫu báo cáo tài chính nhà nước của Việt Nam gồm 4 báo cáo: Báo cáo tình hình tài chính nhà nước, Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước.

Báo cáo tình hình tài chính nhà nước là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh toàn bộ thông tin về tài sản nhà nước; nợ và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh, thành phố tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.

Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tình hình thu nhập, chi phí và chênh lệch giữa thu nhập và chi phí của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh, thành phố trong kỳ báo cáo.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tình hình lưu chuyển tiền tệ, bao gồm các luồng tiền thu vào, các luồng tiền chi ra từ các hoạt động thường xuyên, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh trong kỳ báo cáo; số dư tiền và tương đương tiền của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh, thành phố tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.

Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước được lập để giải thích và bổ sung thông tin về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ của Nhà nước trong kỳ báo cáo mà các báo cáo tài chính nhà nước khác không thể trình bày chi tiết. Thuyết minh báo cáo tài chính phản ánh các thông tin chung về tình hình kinh tế - xã hội; thông tin chung về cơ sở, chính sách kế toán áp dụng; thông tin bổ sung, chi tiết về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước.

Trong quá trình thực hiện Báo cáo tài chính nhà nước, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu, lập Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội. KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu, lập báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, thành phố trình UBND báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp; gửi số liệu về KBNN để tổng hợp lập báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc. Việc tổng hợp số liệu, lập báo cáo tài chính nhà nước được thực hiện trên cơ sở hợp nhất thông tin trên báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực nhà nước.

Sau khi báo cáo Quốc hội, Hội đồng nhân dân, thông tin về tình hình tài chính nhà nước sẽ được công khai đến mọi tầng lớp nhân dân trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và của các tỉnh theo quy định của Chính phủ (đối với báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc), hoặc quy định của UBND tỉnh (đối với báo cáo tài chính nhà nước tỉnh).

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh công khai các thông tin chủ yếu trong báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, bao gồm: tình hình tài sản nhà nước; nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước. Bộ Tài chính công khai các thông tin chủ yếu trong báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc, bao gồm: tình hình tài sản nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước. Theo dự kiến, Nghị định Báo cáo tài chính nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và Báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên được lập theo số liệu tài chính năm 2018.

Việc công khai Báo cáocó thực sự mang nhiềuý nghĩa như mong đợi?

Phải khẳng định rằng, việc công khai Báo cáo tài chính nhà nước là một bước đi nhằm thực hiện mục tiêu cải cách quản lý tài chính công theo hướng: “công khai - minh bạch - tiết kiệm -hiệu quả” của Chính phủ. Không chỉ cơ quan quản lý mà người dân cả nước đều mong muốn và có quyền được biết rõ thực trạng tình hình kinh tế của đất nước. Mặt khác, việc công khai và minh bạch tài chính còn là yêu cầu của các nước và các tổ chức quốc tế tài trợ cho Việt Nam.

Thậm chí, trong quá trình đàm phán các chương trình tài trợ, vấn đề hàng đầu được các quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế yêu cầu là Việt Nam phải cung cấp đầy đủ số liệu về tình hình tài chính nhà nước. Hiện nay, ở hầu hết các quốc gia, việc công khai ngân sách là quy định bắt buộc. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, vào tháng đầu tiên của mỗi năm tài khóa, các Bộ trưởng phải công khai mục tiêu, chiến lược, tài sản, công nợ và các kế hoạch hành động hàng năm của mình... Vì vậy, có thể nói, việc công khai, minh bạch thông tin tài chính nhà nước là đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu như chỉ công khai một số thông tin chủ yếu như nêu trong dự thảo (đã được công khai phần lớn trong những năm gần đây) như: số liệu dự toán và quyết toán NSNN đã được Quốc hội quyết định, phê chuẩn về thu, chi NSNN, bội chi ngân sách trung ương và địa phương, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia… thì việc công khai này không có ý nghĩa nhiều hơn so với hiện tại. Cùng với việc công khai, điều người dân mong đợi và đòi hỏi Chính phủ thực hiện là minh bạch các thông tin tài chính nhà nước cho người dân giám sát để các nguồn lực này được chi tiêu đúng mục đích và có hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến chế tài xử lý việc vi phạm các quy định. Bởi dự thảo Nghị định chỉ quy định trách nhiệm cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính và trách nhiệm kiểm tra việc lập báo cáo tài chính thuộc Bộ Tài chính mà chưa quy định các điều khoản về xử lý vi phạm.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là phải gắn được trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức liên quan. Cụ thể là, Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội; các Sở Tài chính phải chịu trách nhiệm trước Bộ Tài chính; các bộ, sở, ngành, tổ chức không cung cấp thông tin theo quy định cần phải bị xử phạt. Bộ Tài chính hay các Sở Tài chính có thể tạm trì hoãn giải ngân các khoản chi tiếp theo đối với các đơn vị vi phạm cho đến khi họ cung cấp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng các đơn vị cung cấp thông tin chậm trễ, kém chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng yêu cầu.


THÙY ANH
Theo Đặc san Kiểm toán số 52 ra tháng 10/2016
Cùng chuyên mục
  • Khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo dự kiến, hôm nay (20/10) kỳ họp thứ2, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Quốc hội sẽlàm việc trong thời gian 26 ngày và dự kiến bế mạc kỳ họp vào chiều ngày 23/11.
  • Cơ cấu lại ngân sách nhà nước
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đảm bảo trần nợ công; cơ cấu lại thu, chi ngân sách cho hợp lý, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, đồng thời tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính… là những nội dung trọng tâm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đặt ra khi cho ý kiến về tình hình thực hiện NSNN 2016; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, tại phiên họp thứ 4, ngày 17/10.
  • Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, sáng ngày 09/10,Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã chính thức khaimạc tại Hà Nội.
  • Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thay vì quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cần lưu ý tới việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Khuyến nghị này tiếp tục được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra tại Tọa đàm “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016”, ngày 11/10.
  • Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP  từ 6,3 - 6,5% trong năm 2016
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong2 ngày, 3 và 4/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúcđã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.
Công khai Báo cáo tài chính nhà nước: Nỗ lực và băn khoăn