Cơ cấu lại ngân sách nhà nước

(BKTO) - Đảm bảo trần nợ công; cơ cấu lại thu, chi ngân sách cho hợp lý, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, đồng thời tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính… là những nội dung trọng tâm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đặt ra khi cho ý kiến về tình hình thực hiện NSNN 2016; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, tại phiên họp thứ 4, ngày 17/10.




Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện NSNNẢnh: TTXVN
NSTƯ hụt thu, nợ côngsát “ngưỡng”

Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện NSNN năm 2016, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ năm 2017 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) nhấn mạnh, năm 2016 tổng thu NSNN ước tính vượt dự toán nhưng thực chất chỉ ngân sách địa phương tăng thu, còn NSTƯ hụt thu khoảng 8.000 đến 12.000 tỷ đồng, đây là số hụt thu lớn của NSTƯ, gây khó khăn trong điều hành thực hiện các nhiệm vụ chi của NSTƯ.

Bên cạnh đó, thu từ dầu thô dự báo hụt khoảng 15.000 tỷ đồng, thu cân đối xuất, nhập khẩu cũng không đạt dự toán. Cơ quan thẩm tra cho rằng, công tác lập dự toán chưa thật sát thực tế, chưa lường hết những biến động của giá dầu thô và tác động giảm thu do thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết... Báo cáo thẩm tra cũng xác định, mặc dù thu nội địa tăng so với dự toán 5,6% nhưng chủ yếu tăng do điều chỉnh chính sách, tăng thu từ đất đai. Điều này cũng thể hiện rõ sự tăng trưởng kinh tế chậm, không đồng đều ở các lĩnh vực, còn khó khăn ở khu vực DNNN (thu từ khu vực DNNN ước đạt 93,7%, hụt hơn 16.000 tỷ đồng). Cùng với đó là số nợ đọng thuế còn cao, tại thời điểm 30/6/2016 tăng 1,8% so với thời điểm 31/12/2015.

Đối với chi NSNN, Chính phủ ước thực hiện chi NSNN cả năm bằng 101,9% dự toán, UBTCNS cho rằng, Chính phủ đã nỗ lực quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán. Tuy nhiên, công tác phân bổ, giao dự toán rất chậm, đến thời điểm tháng 9/2016 vẫn còn một số khoản chưa phân bổ như vốn 2 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa thực hiện phân bổ cho các Bộ, địa phương thực hiện. Đến đầu tháng 10/2016 vẫn còn khoảng 16.500 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ và khoảng 2.700 tỷ đồng vốn NSNN chưa phân bổ cho các dự án. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA chậm nhất so với cùng kỳ những năm gần đây…

Một con số đáng chú ý khác là số ước bội chi NSNN năm 2016 là 254.000 tỷ đồng, bằng số Quốc hội quyết định. Với mức bội chi này, dư nợ công là 64,98% GDP, đã sát ngưỡng 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo đầy đủ tình hình nợ công để có những giải pháp điều hành, cân đối NSNN chủ động và kịp thời. Trường hợp NSNN hụt thu, đề nghị giảm nhiệm vụ chi tương ứng để giảm bội chi, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.

Cơ cấu lại NSNN và nợ công

Trước thực trạng trên, thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị, trong phân bổ NSTƯ năm 2017, cần bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư và chi thường xuyên nguồn NSNN đã được UBTVQH quyết định; bảo đảm việc hỗ trợ thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm cơ cấu lại các khoản chi NSNN, có lộ trình thực hiện giảm dần chi thường xuyên trên tinh thần chi tiêu tiết kiệm; rà soát cắt bỏ dần một số nhiệm vụ chi tiêu công không hiệu quả, không cần thiết. Cùng với đó, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu NSNN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế để tăng thu ngân sách.

Thẩm tra định hướng kế hoạch tài chính 5 năm (2016-2020), UBTCNS cũng đề nghị, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả giai đoạn là cơ cấu lại NSNN và nợ công. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đổi mới toàn diện cơ chế quản lý ngân sách, triển khai thực hiện theo các quy định tiến bộ của Luật NSNN năm 2015; nâng cao năng lực phân tích, dự báo trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; đẩy mạnh tái cơ cấu NSNN, chú trọng tái cơ cấu đầu tư công và từng bước cơ cấu lại nguồn thu NSNN; thực hiện rà soát, đánh giá lại các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế; quản lý khai thác tốt tài sản công để từng bước tạo thêm nguồn lực cho ngân sách; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đảm bảo công khai, minh bạch NSNN.

Đặc biệt, đối với bội chi và nợ công, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí mức bội chi NSNN đến năm 2020 dưới 4% GDP (bình quân cả giai đoạn không quá 3,9% GDP) tính theo quy định của Luật NSNN năm 2015. Về nợ công, trong Báo cáo về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần 55%. Tuy nhiên, UBTCNS đề nghị duy trì mức trần nợ công không quá 65% GDP (sau năm 2020 không quá 60% GDP), nợ Chính phủ không quá 53% GDP (sau năm 2020 không quá 50% GDP), nợ nước ngoài không quá 50% GDP và thắt chặt việc quản lý, sử dụng vốn vay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ phương án và kế hoạch trả nợ (cả nợ gốc và nợ lãi) trong giai đoạn 2016-2020; áp dụng các giải pháp để bảo đảm các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn cho phép, đưa tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu NSNN xuống dưới mức 25% và bảo đảm trong giai đoạn tới, số vay đảo nợ năm sau phải thấp hơn năm trước.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra. UBTVQH cho rằng, việc xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm phải dựa trên Luật NSNN 2015 để làm rõ một số cơ cấu như cơ cấu thu, trong đó cụ thể thu nội địa, thu dầu khí, thu xuất - nhập khẩu và cơ cấu chi, trong đó lưu ý chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, chi thường xuyên và các khoản chi khác; vấn đề bội chi, nợ Chính phủ… UBTVQH cũng thống nhất quan điểm sẽ không nâng trần nợ công.

NGUYỄN HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo dự kiến, hôm nay (20/10) kỳ họp thứ2, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Quốc hội sẽlàm việc trong thời gian 26 ngày và dự kiến bế mạc kỳ họp vào chiều ngày 23/11.
  • Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, sáng ngày 09/10,Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã chính thức khaimạc tại Hà Nội.
  • Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thay vì quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cần lưu ý tới việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Khuyến nghị này tiếp tục được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra tại Tọa đàm “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016”, ngày 11/10.
  • Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP  từ 6,3 - 6,5% trong năm 2016
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong2 ngày, 3 và 4/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúcđã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.
  • Tập trung kiểm toán, đánh giá toàn diện các vấn đề xã hội quan tâm
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 03/10, tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV đã cho ý kiến về dự kiến Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2017 của KTNN. Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí về nguyên tắc, định hướng, trọng tâm kiểm toán cũng như dự kiến KHKT của KTNN, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề cần tập trung kiểm toán nhằm đưa ra những đánh giá toàn diện việc thực hiện các chính sách, việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước