Công nghệ 4.0 làm thay đổi môi trường và điều kiện làm việc của các kế toán, kiểm toán viên

(BKTO)- Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) giúp nâng cao nhiều lần năng suất làm việc của các kế toán, kiểm toán viên. Nhờ đó, DN hay người làm dịch vụ kế toán- kiểm toán chỉ phải thuê ít lao động mà vẫn tăng doanh số. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng đặt ra cho các DN, các cơ sở đào tạo về kế toán- kiểm toán không ít thách thức...



Sáng 10/10, Trường Đại học Thương mại đã phối hợp với Học viện Tài chính và Viện Kế toán Công chứng Anh & xứ Wales (ICAEW) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Kế toán, kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0- Cơ hội và thách thức”.
                
   

Toàn cảnh Hội thảo- Ảnh: N.Ly

   
Khai mạc Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Phú Giang- Trưởng Khoa Kế toán- Kiểm toán, Đại học Thương Mại- nhấn mạnh: Với tốc độ công nghệ đột phá, cuộc CMCN 4.0 đã tác động mạnh đến tất cả các ngành, các lĩnh vực, trong đó có kế toán- kiểm toán. Chính vì thế, việc nghiên cứu những tác động của công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán- kiểm toán là hết sức cấp thiết.

PGSTS. Nguyễn Phú Giang phân tích thêm, CMCN 4.0 đã và đang làm thay đổi môi trường, điều kiện làm việc của nhân lực ngành kế toán- kiểm toán tại Việt Nam. Công nghệ số và mạng internet giúp cho công việc kế toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong nước với nhau và với các DN nước ngoài. Cuộc cách mạng công nghệ số hiện đại này cũng sẽ mang đến nhiều thách thức trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kế toán- kiểm toán, cách thức quản lý, hội nhập cũng như hoạt động của các DN. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 đòi hỏi các trường đại học, các cơ sở đào tạo về kế toán- kiểm toán cần phải có những thay đổi toàn diện để đáp ứng nhu cầu của DN cũng như thị trường lao động. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội, gắn kết với DN và thị trường lao động để trở thành một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh.

Theo PGSTS. Mai Ngọc Anh- Trưởng khoa Kế toán, Học viện Tài chính- trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của CMCN 4.0, khoa học kế toán - kiểm toán cũng có những biến đổi sâu sắc theo hướng ngày càng đan xen, kết hợp với các khoa học kinh tế và quản lý khác. Vì vậy, từng cấp độ đào tạo phải xác định lại mối quan hệ giữa đào tạo kế toán - kiểm toán với tư cách một lĩnh vực khoa học và với tư cách một nghề, một công cụ quản lý.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ThS. Đặng Thị Mai Trang- Viện Kế toán Công chứng Anh & Xứ Wales- cho biết, trong những năm gần đây, lĩnh vực dịch vụ tài chính- kế toán- kiểm toán Việt Nam chịu nhiều tác động từ cam kết mở cửa, đặc biệt là Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán- kiểm toán trong ASEAN. Thỏa thuận này cho phép những người hành nghề kế toán - kiểm toán được di chuyển hoạt động tự do trong cộng đồng ASEAN. Chính điều này đã mở ra cơ hội, tạo động lực nhưng cũng là sức ép đối với việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế.

Để phát triển nguồn nhân lực, đại diện ICAEW cho rằng, yêu cầu đầu tiên là sự đổi mới về chương trình và nội dung giảng dạy theo hướng tiệm cận với các phương pháp đào tạo mới và chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh việc cập nhật thường xuyên các kiến thức mới, các kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu mới cũng cần phải được đưa vào chương trình đào tạo.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Hoàng- Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần MISA- chia sẻ, CMCN 4.0 đã giúp nâng cao nhiều lần năng suất làm việc của các kế toán, kiểm toán viên. Hiện nay, một DN lớn có thể có hàng chục kế toán thì trong tương lai sẽ chỉ cần vài ba nhân viên kế toán. Trước đây, một kế toán dịch vụ chỉ có thể làm công việc kế toán cho khoảng 10 DN thì nay có thể làm dịch vụ cho cùng lúc vài chục đến cả trăm DN. Với ngành kiểm toán, hiện nay, một công ty kiểm toán làm dịch vụ cho 10 DN tại cùng một thời điểm thì trong tương lai có thể kiểm toán đồng thời cho 100 DN. Việc thay đổi về năng suất lao động giúp DN hay người làm dịch vụ kế toán, kiểm toán chỉ phải thuê ít lao động hơn mà vẫn tăng doanh số do phục vụ được nhiều khách hàng hơn.

Tuy nhiên, việc thay đổi về năng suất lao động cũng sẽ khiến thị trường lao động về kế toán, kiểm toán cần ít nhân lực hơn hàng chục lần hiện nay. Như vậy, thị trường sẽ dư thừa một số lượng lớn nhân lực kế toán, kiểm toán. Thị trường các DN làm dịch vụ kế toán - kiểm toán hoặc phân tích tài chính cũng có sự đào thải, DN nào biết cách ứng dụng các công nghệ sẽ tăng chất lượng dịch vụ và giảm được chi phí nhân công, thu hút được nhiều khách hàng hơn. Ngược lại, những DN không tận dụng được cơ hội này có thể bị đào thải và biến mất khỏi thị trường.

Cùng với việc thảo luận chuyên sâu về những cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với ngành kế toán - kiểm toán, tại Hội thảo, các chuyên gia, các giảng viên đến từ các trường đại học chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo; việc hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh hệ thống chuẩn mực kế toán - kiểm toán của Việt Nam cho phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh mới.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Công nghệ 4.0 làm thay đổi môi trường và điều kiện làm việc của các kế toán, kiểm toán viên