Đoàn Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra tại một cơ sở KCB tư nhân trên địa bàn thành phố Ảnh: T.S
Cụ thể, có 14 hành vi vi phạm của 12 cơ sở KCB chưa được Thanh tra Sở Y tế đánh giá xử lý, trong đó có 1 hành vi cơ sở hoạt động không có Giấy phép, 5 hành vi sử dụng bác sĩ chưa có Chứng chỉ hành nghề, 3 hành vi hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn và 5 hành vi khác; 147 hành vi vi phạm của 85 cơ sở KCB chưa được các Phòng Y tế đánh giá xử lý, trong đó có tới 26 hành vi cơ sở hoạt động không có Giấy phép.
Bên cạnh đó, một số hồ sơ thanh tra, kiểm tra cũng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục: đánh giá về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị theo thẩm định ban đầu, đánh giá về phạm vi hoạt động chuyên môn và Chứng chỉ hành nghề. Kết quả kiểm tra chọn mẫu của KTNN cũng chỉ ra 10 hồ sơ của Thanh tra Sở Y tế và 86 hồ sơ của các Phòng Y tế chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm tra và lưu trữ hồ sơ tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm của cơ sở KCB. Đối với hồ sơ kiểm tra của Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, có 5 hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm của cơ sở KCB chưa đúng quy trình.
Đối với hồ sơ kiểm tra của UBND cấp phường, các biên bản kiểm tra chủ yếu đánh giá cơ sở KCB chấp hành tốt quy định. Tuy nhiên, KTNN xác định còn có trường hợp khi phát hiện cơ sở KCB không có Giấy phép nhưng đoàn kiểm tra chỉ yêu cầu cơ sở chấm dứt hoạt động mà không chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Đồng thời, qua kiểm tra thực tế tại 34 cơ sở KCB cho thấy, hầu hết các cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác có liên quan. Bên cạnh đó, Sở Y tế và các UBND cấp quận chưa quy định cụ thể về việc công khai các cơ sở KCB có hành vi vi phạm theo quy định và cũng chưa ban hành hướng dẫn thực hiện theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở KCB có vi phạm. Đối với các cơ sở KCB hoạt động không có Giấy phép, Thanh tra Sở Y tế chủ yếu giao cho các Phòng Y tế thực hiện giám sát, tuy nhiên Phòng Y tế không báo cáo kết quả khắc phục của các cơ sở KCB bằng văn bản. Còn có trường hợp vi phạm đã được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra nhưng các cơ quan quản lý nhà nước chưa có biện pháp phối hợp theo dõi, giám sát dẫn đến cơ sở có vi phạm vẫn tiếp tục hoạt động.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra còn bất cập được KTNN chỉ ra là do UBND thành phố chưa ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn. Trên cơ sở chủ trương khuyến khích phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập của Chính phủ và các văn bản có liên quan, UBND TP.Hà Nội đã ban hành các văn bản phát triển hệ thống y tế ở thủ đô, tuy nhiên văn bản này đã không đề cập đến cơ sở KCB. Trong khi đó, công văn của Sở Y tế gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về việc xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn 2011-2015 có thể hiện chỉ tiêu phát triển các cơ sở KCB ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Hoặc như số liệu của Phòng Quản lý hành nghề cho biết, số cơ sở KCB được cấp Giấy phép đã vượt kế hoạch đặt ra, song mật độ phân bổ các cơ sở KCB không đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực nội thành, trước cổng các bệnh viện lớn gây nên sự quá tải và khó khăn trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát.
Xuất phát từ thực trạng trên, KTNN cho rằng: việc UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, tham mưu cho thành phố xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở KCB ngoài công lập là hết sức cần thiết để đảm bảo phát triển mạng lưới y tế tư nhân đồng bộ và hiệu quả.
Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND TP.Hà Nội ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra; xây dựng kế hoạch phát triển đối với lĩnh vực y tế tư nhân nhằm đảm bảo phát triển hệ thống y tế tư nhân một cách hiệu quả; ban hành chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở KCB ngoài công lập hoạt động tại khu vực ngoại thành. Thành phố cũng cần tổ chức đánh giá kết quả kiểm tra; làm rõ vai trò, chức năng kiểm tra của UBND cấp phường đối với các cơ sở KCB ngoài công lập trên địa bàn và chấm dứt hoạt động kiểm tra nếu không đáp ứng đủ điều kiện. Bên cạnh đó, Sở Y tế cần sửa đổi quy trình cấp Giấy phép; xem xét yêu cầu các cơ sở KCB tư nhân phải niêm yết công khai các thông tin để người dân có thể lựa chọn cơ sở KCB phù hợp.
Đối với Thanh tra Sở Y tế và Phòng Y tế, KTNN kiến nghị, khi thanh tra, kiểm tra các cơ sở KCB cần phải xử phạt theo đúng các quy định hiện hành để đảm bảo tính công bằng; các biên bản thanh tra, kiểm tra cần được theo dõi, quản lý khoa học, tránh tình trạng thực hiện thanh tra, kiểm tra nhưng không tổ chức lập biên bản. Đặc biệt, cần quy định cụ thể việc công khai danh sách các cơ sở KCB có vi phạm.
Đối với Bộ Y tế, KTNN kiến nghị việc xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để khắc phục một số bất cập trong công tác cấp Giấy phép tại Thông tư 41/2011/TT-BYT theo hướng minh bạch, thuận tiện hơn.