Công tác kiểm toán giúp ngăn ngừa nguy cơ sai phạm trong quản lý tài chính, ngân sách

(BKTO) - Các lĩnh vực, chủ đề được Kiểm toán nhà nước (KTNN) lựa chọn thực hiện kiểm toán là các vấn đề sát với tình hình thực tế trong quản lý, điều hành tài chính, ngân sách của địa phương. Công tác kiểm toán của KTNN giúp địa phương kịp thời chấn chỉnh và xử lý thiếu sót, kịp thời ngăn ngừa nguy cơ sai phạm trong quản lý tài chính, ngân sách.

so-tc-an-giang.jpg
Ông Trần Minh Nhựt - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh An Giang. Ảnh: N. LỘC

Đây là khẳng định của ông Trần Minh Nhựt - Giám đốc Sở Tài chính An Giang - khi chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán về hiệu quả công tác phối hợp giữa KTNN với địa phương.

Thưa ông, theo Quy chế phối hợp giữa KTNN và địa phương, phối hợp trong công tác kiểm toán là nội dung trọng tâm. Xin ông chia sẻ thêm về những kết quả đạt được trong công tác này thời gian vừa qua?

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phối hợp với KTNN, thời gian qua, việc triển khai thực hiện công tác phối hợp trong hoạt động kiểm toán đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang. Các nội dung phối hợp là thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị, cơ bản đã được triển khai thực hiện đầy đủ. Kết quả phối hợp trong công tác đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Theo đó, Quy chế phối hợp đã giúp gắn kết được mối quan hệ giữa Thường trực HĐND, UBND tỉnh với KTNN trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao; hoạt động phối hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên. Hằng năm, thông qua hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), KTNN đã tư vấn và giúp HĐND, UBND tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách; giúp cho tỉnh đẩy nhanh giải ngân, quyết toán vốn đầu tư công,… từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc thực hiện Quy chế phối hợp đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND tỉnh đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trong quá trình quản lý điều hành tài chính, ngân sách, địa phương nghiên cứu và thực hiện theo quy định và hướng dẫn của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đôi khi còn thiếu sót, do cách hiểu vấn đề chưa nhất quán giữa các đơn vị, địa phương. Qua công tác kiểm toán, KTNN đã có những kiến nghị cũng như hướng dẫn địa phương kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vấn đề thiếu sót. Từ đó, công tác quản lý tài chính, ngân sách trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ, đi vào nền nếp; giúp địa phương nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng tài sản công.

ky-quy-che-3.jpg
Việc ký Quy chế phối hợp đã giúp gắn kết mối quan hệ giữa Thường trực HĐND, UBND các địa phương với KTNN, góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên. Ảnh: N. LỘC

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp với KTNN trong thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy chế phối hợp với KTNN; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN trong các cuộc kiểm toán tại địa phương. Đồng thời, thường xuyên liên hệ trao đổi thông tin với KTNN để sớm nắm bắt và xử lý các vấn đề còn thiếu sót, cũng như các khó khăn vướng mắc của địa phương trong công tác quản lý điều hành tài chính, ngân sách.

Từ sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác kiểm toán, ông có thể cho biết kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của địa phương cũng như những giải pháp để nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán?

Quá trình thực hiện kiểm toán và ban hành dự thảo báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán đều có sự tương tác giữa tỉnh và đoàn kiểm toán để đoàn kiểm toán nghiên cứu, xem xét trong việc đưa ra các đánh giá, kết luận, kiến nghị nhằm bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý giữa các quy định của pháp luật với quá trình quản lý, điều hành ngân sách phát sinh từ thực tiễn. Cách làm này đã góp phần đảm bảo các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán được chặt chẽ, chính xác và khả thi, qua đó góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.

Đồng thời, tỉnh luôn phối hợp với KTNN khu vực IX trong quá trình triển khai thực hiện các kiến nghị kiểm toán, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Căn cứ các báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán phát hành, các báo cáo tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán hằng năm được KTNN, UBND tỉnh đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các đơn vị được kiểm toán triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán cơ bản đúng yêu cầu, thời gian quy định…

Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của tỉnh An Giang những năm gần đây luôn đạt tỷ lệ cao. Đơn cử như niên độ năm 2022, kết quả thực hiện kiến nghị của địa phương đạt 98% tổng số kiến nghị kiểm toán.

Để tiếp tục đảm bảo thực hiện tốt kiến nghị kiểm toán, Sở Tài chính tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện; nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng; chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp chậm, kéo dài nhiều năm việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Từ những kiến nghị kiểm toán được chỉ ra, tỉnh đã có giải pháp gì để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, thưa ông?

Cùng với việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ kiến nghị của KTNN, UBND tỉnh đã quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, văn bản của Trung ương liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với công tác này.

e0d941047869c4379d78.jpg
Sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang có một phần đóng góp quan trọng của KTNN. Ảnh: N. LỘC

Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; kiểm soát chặt chẽ dự toán ngân sách; quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN), kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên. Cùng với đó, tiếp tục cơ cấu lại NSNN, giảm chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Các đơn vị dự toán phải lập và thực hiện ngân sách sát thực tế, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt không cần thiết.

Tỉnh cũng quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng, khả năng triển khai thực hiện trong phạm vi nguồn NSNN được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác; chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành.

Trong quản lý vốn đầu tư công, Sở Tài chính sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt từ giai đoạn lập kế hoạch, thẩm định, phê duyệt đến triển khai, nhằm tránh tình trạng đội vốn, chậm tiến độ. Tỉnh sẽ quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công gắn với sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả để góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, phát huy nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Công tác kiểm toán giúp ngăn ngừa nguy cơ sai phạm trong quản lý tài chính, ngân sách