Coronavirus là nguyên nhân đẩy nhanh sự lây lan của nhiều dịch bệnh khác

(BKTO) - Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi hoạt động của thế giới đã bị “đóng băng”, bao gồm cả việc tổ chức tiêm chủng định kì các loại vaccine ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm khác.



                
   

Allay Ngandeme -em bé ba tuổi mắc bệnh sởi tại khu cách ly bệnh sởi ở bệnh viện Boso-Manzi, Cộng hòa Dân chủ Congo

   

Khi các nước nghèo trên thế giới tập trung chống Covid-19, họ lại vô tình gây ra đợt bùng phát các dịch bệnh khác-những bệnh đáng lẽ có thể ngăn ngừa bằng vaccine.

Mùa xuân năm nay, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 có thể lây lan nhanh trong môi trường đông người, cụ thể là khi trẻ em và người lớn tập trung lại để tiêm phòng, nhiều quốc gia đã tạm dừng các chương trình tiêm chủng. Ngay cả ở các quốc gia vẫn tiếp tục việc tiêm chủng, các chuyến bay vận chuyển nguồn cung vaccine cũng phải ngừng hoạt động do dịch bệnh.

Và hậu quả của việc ngừng tiêm chủng đã đến. Hiện tại, bệnh bạch hầu đã xuất hiện ở Pakistan, Bangladesh và Nepal. Còn Nam Sudan, Cameroon, Mozambique, Yemen và Bangladesh đang phải đối mặt với dịch tả.

Nghiêm trọng hơn, một chủng đột biến của virus gây bệnh bại liệt đã được báo cáo phát hiện ở hơn 30 quốc gia. Trong khi đó, bệnh sởi đang bùng phát trên toàn cầu, bao gồm Bangladesh, Brazil, Campuchia, Cộng hòa Trung Phi, Iraq, Kazakhstan, Nepal, Nigeria và Uzbekistan.

Trong số 29 quốc gia không thể tiến hành tiêm sởi vì đại dịch, đã có 18 quốc gia thông báo về sự lây lan. Theo nghiên cứu của các nhà dịch tễ học, sẽ có 178 triệu người có nguy cơ bị nhiễm dịch sởi vào năm 2020.

Tiến sĩ Chibuzo Okonta thuộc Tổ chức phi chính phủ Bác sĩ không biên giới ở Tây và Trung Phi cho biết, ngành y tế đang đứng trước một rủi ro lớn, là một dịch bệnh xuất hiện trong vài tháng tới sẽ khiến nhiều trẻ em tử vong hơn cả đại dịch Covid-19.

Mới đây, WHO đã kêu gọi các nước cần sớm tổ chức lại kế hoạch tiêm phòng, nhưng phải thật thận trọng trong việc tổ chức khi đại dịch Covid-19 vẫn còn đang hết sức phức tạp.

Theo một nghiên cứu năm 2019 của Vaccine Impact (Hiệp hội mô hình tác động vaccine), trong 20 năm qua, việc tiêm chủng đã ngăn chặn 35 triệu ca tử vong ở 98 quốc gia khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine và giảm 44% tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO cho biết: “Tiêm chủng là một trong những biện pháp phòng chống dịch bệnh cơ bản và mạnh mẽ nhất trong lịch sử y tế công cộng. Sự gián đoạn các chương trình tiêm chủng do đại dịch Covid-19 có nguy cơ làm mất đi quá trình tiến bộ hàng thập kỷ trong việc chống lại các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine, như bệnh sởi”.

Tuy nhiên, có rất nhiều trở ngại khi khởi động lại các chương trình tiêm chủng như khó khăn trong việc vận chuyển nguồn cung vaccine và các nhân viên y tế đang phải dành toàn bộ thời gian để chống dịch Covid-19.

Việc hầu hết các quốc gia phải dồn lực tập trung chống lại đại dịch Covid-19 đã làm suy yếu khả năng xử lý sự bùng phát của các dịch bệnh khác.

“Hiện vẫn có nhiều quốc gia đang phục hồi hậu Covid-19 và sau đó sẽ phải đối mặt với bệnh sởi. Điều này sẽ tiếp tục tăng áp lực lên hệ thống y tế, gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế tại những quốc gia này”, Tiến sĩ Robin Nandy - Trưởng ban tiêm chủng của UNICEF, nơi cung cấp vaccine cho 100 quốc gia chia sẻ.

Tại hội nghị toàn cầu đầu tháng 5, Liên minh vaccine Gavi - một đối tác về y tế do Quỹ Bill và Melinda Gates thành lập, tuyên bố đã nhận được cam kết trị giá 8,8 tỷ USD tài trợ vaccine cơ bản cho trẻ em tại những nước nghèo. Đồng thời, tổ chức này cũng sẽ nỗ lực cung cấp vaccine ngừa Covid-19 khi chúng được điều chế thành công.
                
   

Một đoàn xe mô tô bác sĩ không biên giới mang vaccine sởi đến các gia đình ở Cộng hòa Dân chủ Congo

   

Congo và cuộc chiến với Sởi

Ba nhân viên y tế cộng đồng với chiếc thùng chứa đầy vaccine đang di chuyển bằng xuồng trên dòng sông Tshopo rộng lớn ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Mặc dù bệnh sởi đã bùng phát tại tất cả 26 tỉnh của Congo, nhưng các chương trình tiêm chủng quốc gia vẫn chưa được tái tổ chức do đại dịch.

Bài toán đặt ra cho chính phủ Congo, là vừa phải ngăn chặn sự lây truyền của một loại virus mới đang bắt đầu tấn công mạnh vào Châu Phi, vừa phải giải quyết một “kẻ giết người” cũ.

Thế nhưng, thử thách lớn nhất dành cho các chuyên gia y tế, lại là việc thuyết phục người dân cho con cái họ tiêm chủng.

Nhiều người dân Châu Phi đang tin vào các thông tin không chính thống, rằng chính phủ đang nói dối về việc tiêm chủng. Đó không phải là vaccine bệnh sởi, mà là một loại vaccine coronavirus thử nghiệm và người dân sẽ là “chuột bạch”.

Vào tháng Tư vừa qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng, coronavirus nên được thử nghiệm ở Châu Phi. Tại Congo, nhà virus học phụ trách chế tạo vaccine coronavirus nói rằng nước này thực sự đã đồng ý tham gia thử nghiệm vaccine lâm sàng vào mùa hè này. Tuy nhiên, vaccine sẽ không được thử nghiệm ở Congo cho đến khi nó đã được thử nghiệm hiệu quả ở nơi khác. Nhưng những tin đồn ác ý đã lan rộng.

Chính phủ Congo đã phải hết sức nỗ lực để thuyết phục người dân, tuy nhiên họ mới chỉ tiến hành tiêm chủng được cho 16.000 trẻ em. Hơn 2.000 gia đình khác đã không đồng ý cho con tiêm chủng.

Dịch sởi đã bùng phát tại Congo từ năm 2018 và đến nay số ca mắc bệnh vẫn tiếp tục gia tăng. Kể từ tháng 1, đã có hơn 60.000 ca mắc và 800 ca tử vong do dịch sởi. Hiện tại, Congo cũng đang phải đối mặt với dịch Ebola, bên cạnh bệnh lao và bệnh tả.

Tất cả các dịch bệnh trên đều có thể ngăn ngừa bằng vaccine, tuy nhiên vaccine không phải lúc nào cũng có sẵn. Vào cuối năm 2018, Congo đã thực hiện chương trình tiêm chủng tại 9 tỉnh. Đến năm 2019, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ tại nước này đã tăng từ 42% lên 62% ở thủ đô Kinshasa.

Vào mùa xuân này, chương trình tiêm chủng dự kiến được triển khai trên toàn quốc tại Congo đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Các chương trình tiêm chủng hàng loạt, thường sẽ tập trung hàng trăm trẻ em ngồi gần nhau tại sân trường hoặc chợ, sẽ có nguy cơ làm lây lan virus SARS-CoV-2. Ngay cả việc tiêm chủng thông thường diễn ra tại các phòng khám cũng trở nên không thể kiểm soát được ở nhiều khu vực.

Cơ quan y tế của Congo quyết định cho phép tiếp tục tiêm chủng ở những khu vực có bệnh sởi nhưng không có ca nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đóng băng các chuyến bay quốc tế vận chuyển nguồn cung cấp y tế trong khi một số tỉnh tại Congo đã hết vaccine ngừa bệnh bại liệt, sởi và lao.

Khi nguồn vaccine tiêm chủng tới thủ đô Kinshasa, chúng không thể được vận chuyển đến khắp đất nước do các chuyến bay nội địa đã ngừng hoạt động. Việc vận chuyển bằng đường bộ không khả thi do tình trạng giao thông kém chất lượng.
                
   

Nhân viên y tế đang tiến hành tiêm chủng tại Manila

   

Ngoài Covid-19, thế giới còn phải đối mặt với rất nhiều các dịch bệnh dễ lây lan

Theo các chuyên gia tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, sởi có khả năng lây nhiễm thông qua các hạt chất lỏng siêu nhỏ phát tán lơ lửng trong không khí và dễ lây lan hơn nhiều so với coronavirus

Bác sĩ Yvonne Maldonado - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Đại học Stanford (Mỹ) cho biết: “Nếu mọi người đi vào phòng mà một người mắc bệnh sởi đã ở trong đó 2 giờ trước và không có ai được tiêm chủng, 100% những người đó sẽ bị mắc sởi”.

Ở các nước nghèo, tỷ lệ tử vong do sởi ở trẻ em dưới 5 tuổi là khoảng 3-6%. Các yếu tố như suy dinh dưỡng hoặc trại tị nạn quá đông có thể làm tăng tỷ lệ tử vong. Đồng thời, trẻ em có thể gặp phải biến chứng của bệnh sởi như viêm phổi, viêm não và tiêu chảy nặng.

Theo số liệu thống kê trên toàn thế giới, năm 2018, có gần 10 triệu ca mắc sởi và 142.300 ca tử vong do dịch bệnh. Sau đó, các chương trình tiêm chủng trên toàn cầu đã được triển khai mạnh mẽ hơn.

Trước khi dịch Covid-19 tấn công Ethiopia, 91% trẻ em ở thủ đô Addis Ababa đã được tiêm vaccine phòng sởi trong các lần khám định kỳ, trong khi vẫn có 29% trẻ em ở các vùng nông thôn mắc sởi. Để ngăn chặn sự bùng phát của một bệnh lây nhiễm cao như sởi, mức độ tiêm chủng tối ưu phải là 95% hoặc cao hơn, với mỗi trẻ em tiêm 2 liều vaccine. Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát, Ethiopia đã tạm ngừng chương trình tiêm phòng sởi vào tháng 4, dẫn đến số ca mắc bệnh tiếp tục tăng.

“Các mầm bệnh bùng phát không phân biệt quốc gia nào, đặc biệt là bệnh sởi, bệnh sởi có ở khắp mọi nơi”, TS. Kate O’Brien - Giám đốc cơ quan tiêm chủng của WHO nói.

Tại các nước phát triển, tỷ lệ tiêm chủng của người dân cũng có sự giảm mạnh trong đại dịch. Một số tiểu bang của Mỹ mới đây đã đưa ra số liệu cho thấy tủ lệ tiêm chủng giảm đến 70% so với cùng kì năm trước.

Cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh

Sau khi WHO tuyên bố kết quả khảo sát vào tháng trước với thông tin thế giới sẽ có 80 triệu trẻ em có nguy cơ mắc các dịch bệnh khác, một số quốc gia bao gồm Ethiopia, Cộng hòa Trung Phi và Nepal đã bắt đầu thử khởi động lại chương trình tiêm chủng quốc gia.

Hiện tại, Uganda đang cung cấp cho nhân viên y tế xe máy để có thể di chuyển đến từng nhà tiến hành tiêm chủng. Tại Brazil, một số nhà thuốc cũng đang cung cấp dịch vụ tiêm chủng cá nhân. Tại bang Bihar (Ấn Độ) một nhân viên chăm sóc sức khỏe 50 tuổi đã đạp xe đạp trong ba ngày để có thể tiêm vaccine cho các gia đình ở xa. Còn tổ chức UNICEF đã thuê một chuyến bay để cung cấp vaccine cho bảy quốc gia châu Phi.

Thabani Maphosa - giám đốc quản lý tại Gavi, tổ chức hợp tác với 73 quốc gia để cung cấp vaccine nói rằng, nếu đại dịch được kiểm soát trong vòng ba tháng tới, thì đến hết năm 2021, thế giới có thể bắt kịp lại tiến độ tiêm chủng.
AN CHI (Theo New York Times)
Cùng chuyên mục
Coronavirus là nguyên nhân đẩy nhanh sự lây lan của nhiều dịch bệnh khác