Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp cân đối nguồn lực để đạt được mục tiêu về NSNN năm 2020. Ảnh: TTXVN
Quý I/2020, thu NSNN dường như chưa bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngày 04/5, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, tình hình thu ngân sách qua các tháng có dấu hiệu giảm dần, đặc biệt số thu ngân sách giảm sâu trong tháng 4. Cụ thể, một số nguồn thu lớn có tốc độ giảm nhanh như: thuế giá trị gia tăng 3 tháng đầu năm tăng 3,2%, nhưng đến tháng 4 đã giảm 48,8%, lũy kế 4 tháng giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2019; thuế tiêu thụ đặc biệt 3 tháng đầu năm giảm 2,1%, tháng 4 ước giảm 22,8%, lũy kế 4 tháng giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2019; thuế thu nhập DN 3 tháng đầu năm tăng 16,1%, tháng 4 đã giảm 55,6%, lũy kế 4 tháng giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Tài chính dự báo nguồn thu NSNN năm 2020 sẽ giảm do 3 yếu tố: tăng trưởng kinh tế đạt thấp; giá dầu thô giảm sâu; việc điều chỉnh chính sách thu NSNN để tháo gỡ khó khăn cho DN và hộ kinh doanh chịu tác động của dịch Covid-19. Ngoài ra, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DN, thoái vốn rất chậm cũng ảnh hưởng lớn tới nguồn thu. Theo dự toán năm 2020, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN là 45.000 tỷ đồng nhưng đến nay, con số này chưa thu được.
Theo Bộ Tài chính, với phương án tích cực nhất - dịch Covid-19 kết thúc trong quý II, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt khoảng 5,3%, giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng (dự toán 60 USD/thùng), thu từ cổ phần hoá và thoái vốn DNNN không thực hiện được thì thu NSNN ước giảm khoảng 140.000 - 150.000 tỷ đồng, trong đó, thu ngân sách trung ương (NSTƯ) giảm khoảng 100.000 - 110.000 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương (NSĐP) giảm 40.000 tỷ đồng.
Trong khi thu ngân sách gặp khó khăn, NSNN lại phải tăng chi để có thêm nguồn lực hỗ trợ DN và người dân. Cụ thể, Chính phủ đã quyết định gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng mức khoảng 220.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân sách đã chi: 16.200 tỷ đồng phòng, chống dịch, khoảng 6.700 tỷ đồng để ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19; chi tiền ăn cho người bị cách ly và khám chữa bệnh nền trong thời gian cách ly. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã bố trí khoảng 36.000 tỷ đồng từ NSNN để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.
Điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, đảm bảo cân đối nguồn lực
Trong bối cảnh thu NSNN khó khăn nhưng nhu cầu chi lại tăng cao, Bộ Tài chính đã kiến nghị các giải pháp cân đối nguồn lực để đạt được các mục tiêu về tài chính - NSNN đã đề ra trong năm 2020.
Theo đó, Bộ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Kết thúc năm, trường hợp vốn đầu tư vẫn chưa giải ngân hết sẽ phải trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi NSNN năm 2020.
Bên cạnh việc sử dụng ngân sách dự phòng, dự trữ tài chính của NSĐP, các địa phương phải chủ động sử dụng nguồn tăng thu NSĐP và kinh phí cải cách tiền lương còn dư. Những địa phương khó khăn, NSTƯ sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương. Do đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan tài chính rà soát nguồn lực để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp theo quy định.
Đối với cân đối NSTƯ, dự kiến, 34.600 tỷ đồng nguồn tăng thu và kinh phí NSTƯ còn lại năm 2019 sẽ được chuyển sang năm 2020, trong đó, 20.000 tỷ đồng cùng với NSĐP dành cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ. Số còn lại 14.600 tỷ đồng tiếp tục sử dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cân đối NSTƯ.
Giải pháp tiếp theo là sử dụng dự phòng NSNN tiết kiệm triệt để, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của NSTƯ và NSĐP tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch Covid-19 và các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài. Nếu điều này được thực hiện, riêng các cơ quan T.Ư sẽ tiết kiệm khoảng 600 - 700 tỷ đồng.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, trong đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc; đồng thời, rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là ưu đãi đối với DN nhỏ và siêu nhỏ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về NSNN, từng bước cơ cấu lại thu - chi NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư hợp lý, giảm chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công; thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nợ đọng thuế, bảo đảm thu đầy đủ các khoản thuế, phí, lệ phí vào ngân sách; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế...
THÙY ANH