Cụ thể hóa trách nhiệm trong quản lý tài sản công

(BKTO) - Hiện có gần 1.000 tài sản công cấp tỉnh, cấp huyện sau khi sắp xếp đơn vị hành chính chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan từ Trung ương, đến địa phương, trong đó, cần sửa đổi quy định, cũng như cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân với hiệu quả quản lý tài sản công.

12.jpg
Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ảnh minh họa

Nghị trường Quốc hội “nóng” vấn đề lãng phí tài sản công

Thời gian qua, với sự nỗ lực vào cuộc của các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã dần đi vào nền nếp; tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản từng bước được khắc phục; hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản được chú trọng…

Tuy nhiên, qua giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, công tác quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế về nhận thức của người đứng đầu, công tác thống kê cập nhật biến động chưa kịp thời; quá trình quản lý, sử dụng tài sản công luôn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực… Vấn đề thất thoát, lãng phí trong quản lý tài sản công tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của đại biểu Quốc hội tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Nêu thực trạng quản lý tài sản công vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập dù đã có Luật Quản lý tài sản công và nhiều văn bản hướng dẫn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho biết: Cử tri rất băn khoăn về tình trạng lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công trong thời gian qua.

Dẫn chứng trường hợp điển hình về sự lãng phí trong quản lý tài sản công, đó là xử lý tài sản tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp còn chậm, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) nêu nghịch lý: Trong khi nhiều trụ sở hành chính bỏ trống thì nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc. Do đó, đại biểu đề nghị “làm rõ thực trạng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này”.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí… Theo Bộ trưởng, trách nhiệm này thuộc về người trực tiếp quản lý và các đơn vị quản lý tài sản công.

Làm rõ nguyên nhân, truy trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các cấp, ngành, từ cấp cơ sở đến Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Do đó, về lâu dài, để giải quyết hiệu quả tình trạng này, cần chú trọng nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài sản công, cụ thể hóa, cá thể hóa đến từng người quản lý tài sản, như tinh thần Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có công tác quản lý tài sản công, đã đề ra. “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra về quản lý tài sản công. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản, từ đó siết chặt quản lý hiệu quả hơn” - Bộ trưởng nêu rõ.

Nhiều đại biểu cho rằng, ngoài trách nhiệm trực tiếp của cơ quan được giao quản lý tài sản, một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng lãng phí trong quản lý tài sản công còn phức tạp là do hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về vấn đề này của các cơ quan, đơn vị, địa phương có tài sản chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực hiện kiến nghị thanh tra, kiểm toán đối với công tác quản lý tài sản công chưa cao, tính chấp hành pháp luật về vấn đề này chưa nghiêm…

Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc, đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn xử lý các tài sản công dôi dư sau sắp xếp, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Thời gian qua, sự vào cuộc của Trung ương, đặc biệt là các cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước đã góp phần tác động, mang lại chuyển biến tích cực cho công tác này. Đơn cử, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kịp thời phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh các tồn tại, sai sót trong quản lý tài sản công, ngăn ngừa nguy cơ thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra, kiểm toán chủ yếu có tính phòng ngừa. Còn vai trò chính là các địa phương, cơ quan được giao quản lý tài chính công.

Ngoài ra, những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công còn là do vướng mắc từ quy định. Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn TP. Hà Nội) phản ánh pháp luật về vấn đề này còn chưa đồng bộ. Một số văn bản quy phạm được ban hành vẫn còn bất cập và chậm so với yêu cầu…

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trước những bất cập trong quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, “Bộ Tài chính đang đề xuất sửa Luật Quản lý tài sản công nhằm khắc phục bất cập, bổ sung những vấn đề mới nảy sinh, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý” - Bộ trưởng nói.

Trong đó, quy định mới sẽ bổ sung những trường hợp chưa có trong luật như: Việc mua lại tài sản tư để đưa về tài sản công; các trạm BOT thay đổi hướng tuyến nhưng khi triển khai do thay đổi quy hoạch nên không sử dụng được nữa thì đoạn đường đó sẽ do Nhà nước quản lý.../.

Cùng chuyên mục
Cụ thể hóa trách nhiệm trong quản lý tài sản công