Xác định vai trò quan trọng của phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, tại Hội thảo lấy ý kiến về Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức ngày 8/11, các đại biểu đã tập trung thảo luận giải pháp để thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình kinh tế này trong nông nghiệp.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích hợp đa giá trị, hiệu quả, bền vững; giúp giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Trong đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ nền tảng quan trọng giúp thúc đẩy thực hiện mục tiêu này.
Chuyển sang kinh tế tuần hoàn, nông dân làm du lịch, bên cạnh kinh tế nông nghiệp; toàn nền kinh tế tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, nâng cao chất lượng, năng suất và sức cạnh tranh
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến
Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT), phát triển nông nghiệp tuần hoàn phải dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; quy trình sản xuất, quản trị nông nghiệp tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp.
Xuất phát từ thực tiễn phế phụ phẩm chưa sử dụng hết đang lãng phí như tình trạng đốt rơm, ra, xả chất thải ra môi trường…, các ý kiến cho rằng, cần mạnh mẽ chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp để tận dụng nguồn nguyên liệu này.
Để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, cần ban hành các cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực này, cũng như nhân rộng hiệu quả mô hình nông nghiệp xanh và phù hợp với đặc thù, theo vùng miền, đối tượng như mô hình tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp vườn ao chuồng; mô hình sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hay tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng…
Ông Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, các giải pháp và chính sách phải lồng ghép và tận dụng mọi nguồn lực. “Ngoài tận dụng nguồn lực bên ngoài, vẫn phải có nguồn lực đầu tư trong nước” - ông Thái lưu ý.
Mục tiêu Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2023-2030 là phấn đấu đến năm 2030 trong lĩnh vực trồng trọt sẽ có 60% phụ phẩm được xử lý, 80% phụ phẩm lúa gạo được thu gom và tái sử dụng. Trong chăn nuôi có 60% nông hộ và các trang trại xử lý chất thải; hoàn thiện và áp dụng các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái sử dụng các phụ phẩm của các mặt hàng nông sản chủ lực…