Cử tri lo lắng khi giá xăng dầu giảm, nhưng giá hàng hoá không giảm

(BKTO) - Cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm phản ánh việc giá xăng đã điều chỉnh giảm, nhưng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm tương ứng; tình trạng khiếu kiện tập trung đông người vẫn phức tạp những nội dung đáng chú ý được Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 09/8, khi xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2022.



                
   

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cử tri và Nhân dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời có những giải pháp đúng đắn chỉ đạo, điều hành nên mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi rõ nét và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm phản ánh việc giá xăng đã điều chỉnh giảm nhưng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm tương ứng; việc người dân đi làm các thủ tục liên quan đến các giao dịch dân sự, hành chính nhưng một số cơ quan, tổ chức còn yêu cầu người dân cung cấp sổ hộ khẩu gốc hoặc bản sao hộ khẩu có công chứng; về hoạt động vay tiền qua mạng xã hội và qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh gây nên tình trạng mất ổn định an ninh, trật tự xã hội; một số thông tin cá nhân của người dân bị lộ lọt ra ngoài, nhiều đối tượng lợi dụng giả danh lừa đảo qua điện thoại, gây tâm lý hoang mang cho người dân và bất ổn xã hội.

Cử tri cũng bày tỏ lo lắng khi các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài khoản ngân hàng của người dân qua zalo, facebook, điện thoại vẫn còn xảy ra; tình trạng sản xuất thực phẩm bẩn, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là việc sản xuất thuốc chữa bệnh giả.

Cử tri cũng phản ánh về việc thanh toán cho các hộ gia đình, doanh nghiệp thực hiện dự án điện áp mái có quy mô nhỏ do có vướng mắc về quy định cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường...; một số dự án điện mặt trời tại các địa phương đã hoàn thành nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động gây lãng phí nguồn lực.

Cử tri kiến nghị cần có đánh giá tác động đối với việc thực hiện đầu tư phát triển mạnh các dự án điện năng lượng mặt trời như hiện nay đối với biến đổi thời tiết, khí hậu; về xử lý rác thải đối với tấm pin năng lượng mặt trời đã hết hạn sử dụng…

Ngoài ra, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về việc quy hoạch xây dựng các chung cư cao tầng trong khu vực nội thành còn bất cập; hàng ngàn căn hộ, nền đất tái định cư bị “bỏ hoang” nhiều năm gây lãng phí; chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như vàng SJC với thương hiệu vàng khác mang lại tâm lý bất ổn cho người dân…

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng chỉ ra, tình trạng công dân tập trung đông người tại Hà Nội để khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp. “Theo báo cáo của Bộ Công an, trong tháng 7/2022, tình hình khiếu kiện đông người vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở một số địa phương thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất, tháo dỡ hàng trăm công trình xây dựng trái phép. Theo tổng hợp từ công an các địa phương có nổi lên 08 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự” - Báo cáo nêu.
                
   

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Chủ tịch UBND các cấp phải thực sự quan tâm tới công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nếu địa phương nào có người dân khiếu kiện thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước Đảng, trước Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, không xem việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc của Thanh tra Chính phủ, thanh tra của địa phương mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là công tác phối hợp giữa các ngành ở địa phương…

Với tình trạng khiếu kiện đông người, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Nghị quyết 18-NQ/TW đã yêu cầu tăng cường vai trò của cơ quan tư pháp với các khiếu kiện về đất đai. Vì thế với các vụ việc đã được các cơ quan ở Trung ương và địa phương giải quyết hết thẩm quyền thì nên thông báo cho đương sự hướng giải quyết qua các cơ quan tư pháp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiếp tục đổi mới linh hoạt phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri để phản ánh toàn diện hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, đặc biệt là giải quyết kiến nghị, phản ánh; tăng cường giám sát, đôn đốc các vụ việc cụ thể, nổi cộm.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, Bộ, ngành theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an có giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng công dân tụ tập đông người, gây mất trật tự xã hội tại một số khu vực…
         
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 7/2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 6/2022. Tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 318 lượt với 1.116 công dân đến trình bày về 313 vụ việc, trong đó khiếu nại 172 vụ việc, tố cáo 28 vụ việc, kiến nghị, phản ánh 113 vụ việc và có 25 lượt đoàn đông người đến trình bày về 24 vụ việc (so với tháng 6, giảm 139 lượt với 395 công dân về 127 vụ việc và 32 lượt đoàn đông người).

Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
Cử tri lo lắng khi giá xăng dầu giảm, nhưng giá hàng hoá không giảm