Đa dạng hóa nguồn vốn vay ưu đãi giúp sinh viên vững bước đến trường

(BKTO) - Trong bối cảnh giáo dục bước vào lộ trình tăng học phí mới, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn sau những tác động của đại dịch khiến cơ hội học tập của sinh viên (SV) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, theo ý kiến chuyên gia và đại biểu Quốc hội, cùng với việc nâng cao hiệu quả của nguồn vốn vay chính sách, cần đa dạng hóa nguồn vốn vay ưu đãi dành cho SV, giúp các em có thêm điểm tựa tài chính để vững bước đến trường.



                
   

Đa dạng hóa nguồn vốn vay và tăng mức vay vốn ưu đãi để tiếp bước sinh viên đến trường. Ảnh minh họa

   

Cần điều chỉnh lại nguồn vốn vay chính sách

Theo kết quả khảo sát của Đại học Quốc gia TP. HCM được thực hiện trên quy mô gần 40.000 SV sau đại dịch Covid-19 cho thấy, có đến 60% SV có gia đình mất đi ít nhất một nguồn thu và có đến 60% SV lo lắng về học phí. Do đó, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, việc tăng học phí mà không có thêm giải pháp để hỗ trợ SV có hoàn cảnh khó khăn sẽ khiến cơ hội học tập của SV bị giảm đi đáng kể.

Theo PGS,TS. Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, rất nhiều hộ gia đình vẫn còn lao đao, gặp khó khăn về kinh tế suốt 2 năm qua vì dịch bệnh. Cùng với đó là sức ép của lạm phát, giá cả các mặt hàng tiêu dùng đua nhau tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của từng hộ gia đình, cũng như cơ hội học tập của con em các gia đình.

Nhấn mạnh giải pháp hỗ trợ tài chính cho SV thông qua Ngân sách Chính sách xã hội vừa qua là cần thiết, song chưa đủ trong bối cảnh hiện nay, PGS,TS. Trần Xuân Nhĩ cho biết, mặc dù Chính phủ đã có chính sách điều chỉnh tăng mức vay vốn cho SV từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng từ ngày 19/5/2022; mức lãi suất giảm từ 6,6%/năm xuống còn 4,6%/năm. Tuy nhiên chính sách này vẫn chưa thể mang lại hiệu quả cao nhất, vì mức cho vay chưa theo kịp với mức tăng giá của hàng hóa hiện nay; trong khi mức lãi suất cho vay với gia đình có hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa thực sự phù hợp.

Đề cập đến nguồn vốn vay chính sách cho sinh viên, PGS,TS. Nguyễn Trường Thịnh (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM) cho rằng cần nâng mức cho vay vốn so với hiện nay, cũng như tích cực tuyên truyền, vận động SV có hoàn cảnh khó khăn đón nhận chính sách. Bởi hiện nay số lượng SV tiếp cận chưa nhiều cũng như số tiền vay chưa đủ đóng học phí và trang trải cuộc sống.

Thay đổi nguồn vốn vay chính sách dành cho SV cho phù hợp hơn với thực tế mới cũng chính là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đang diễn ra.

Nhìn nhận rõ những khó khăn mà SV sẽ phải đối diện khi tăng học phí, đại biểu Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM đề nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách cho SV vay để có nhiều đối tượng được vay, vay với định mức cao hơn. Có thể tăng định mức vay nhằm đảm bảo cho SV có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.

Đồng thời, giảm mức lãi suất cho vay đối với SV vay vốn là 3 - 4% năm hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3 - 4% năm, sau khi tốt nghiệp áp dụng lãi suất cao hơn.

Trong khi đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM băn khoăn khi tỷ lệ cho vay học sinh, SV trên địa bàn TP. HCM hiện rất thấp, chỉ chiếm 4,8% trong số tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội TP. HCM (tính đến tháng 3/2022). Theo bà Châu, tỷ lệ này so với năm 2021 không tăng, thậm chí có dấu hiệu giảm trong khi vừa trải qua đại dịch, gia đình SV đang rất khó khăn về tài chính. Do đó, đại biểu Châu đề nghị xem lại cách thức tuyên truyền để động viên SV có hoàn cảnh tham gia chính sách, cũng như có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp, đáp ứng mong mỏi của SV và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Linh hoạt áp dụng chính sách, đa dạng hóa nguồn vốn vay

Dự kiến từ năm học tới, mức học phí của nhiều trường đại học sẽ tăng mạnh khi áp dụng Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Việc tăng học phí là cần thiết để giúp các trường có thêm nguồn lực đầu tư, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, khi các trường ngày càng đẩy mạnh thực hiện lộ trình tự chủ theo yêu cầu của Chính phủ.
                
   

Cần thêm những nguồn lực hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Ảnh: N.LỘC

   

Trong bối cảnh đó, bên cạnh nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân sách chính sách hỗ trợ cho SV có hoàn cảnh khó khăn, các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng cần đa dạng hóa nguồn vốn vay để tăng cường nguồn lực tài chính cho SV, cũng như giảm tải gánh nặng cho Nhà nước.

Để giúp SV nâng cao cơ hội học tập, PGS,TS. Nguyễn Trường Thịnh đề xuất các trường đại học nên có những quỹ tài chính cho SV trường mình vay hoặc hỗ trợ SV khó khăn đóng học phí.

Về phía đơn vị, từ nhiều năm nay, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. HCM có các chính sách hỗ trợ SV, giúp các em giảm bớt áp lực về tài chính, như: miễn giảm học phí cho SV nghèo, gia đình khó khăn, hộ chính sách; trợ cấp cho SV khuyết tật; xây dựng quỹ do cựu SV đóng góp để cho SV vay đóng học phí hay trang trải cuộc sống…

Đề cập giải pháp đối với khoản vay từ ngân hàng chính sách, đại biểu Vũ Hải Quân đề nghị các cơ quan và ngân sách chính sách xã hội cần nghiên cứu có chính sách kéo dài thời gian vay hơn, thay vì cho vay trong thời gian ngắn như hiện nay; có thể điều chỉnh thời gian cho vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp ba lần thời gian vay.

Đại biểu Vũ Hải Quân cũng gợi ý cần có chính sách để các ngân hàng thương mại có thể cung cấp dịch vụ cho SV vay, thay vì chỉ thông qua ngân hàng chính sách xã hội để đa dạng các gói vay và SV dễ tiếp cận hơn.

Trong khi đó, PGS,TS. Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính cần tích cực tham gia và thể hiện rõ nét trách nhiệm xã hội hơn nữa thông qua việc mở rộng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ưu đãi cho SV. “Các tổ chức tính dụng cũng nên xem lĩnh vực này là một mảng của thị trường tín dụng tiêu dùng có nhiều tiềm năng để phát triển các khoản vay nhỏ với thời hạn vay ngắn” – PGS,TS. Tô Trung Thành nêu quan điểm.
NGUYỄN LỘC


Cùng chuyên mục
Đa dạng hóa nguồn vốn vay ưu đãi giúp sinh viên vững bước đến trường