BIDV và hành trình chuyển đổi số

(BKTO) - Trong bối cảnh nhiều nhà băng tham gia vào hành trình chuyển đổi số (CĐS), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là cái tên nổi bật nhờ sở hữu tiềm lực mạnh và định hướng chiến lược từ rất sớm.



                
   

Đại diện BIDV nhận Giải thưởng "Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2021" do Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử Viettimes
   trao tặng.Ảnh:BIDV

   

Số hóa hoạt động ngân hàng sẽ giúp các nhà băng nâng cao trải nghiệm cho khách hàng; cải thiện chất lượng vận hành, năng lực phục vụ; tạo ra nhiều sản phẩm - dịch vụ tiện ích; tăng cường an toàn bảo mật và giảm thiểu chi phí. Đây cũng là giải pháp giúp các ngân hàng gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Những dấu mốc trong hành trình chuyển đổi số

Nắm bắt xu thế và nhận thấy rõ lợi ích của CĐS trong lĩnh vực ngân hàng, tháng 3/2019, BIDV đã thành lập Trung tâm Ngân hàng số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đối với hoạt động ngân hàng số và các dự án quan trọng.

Cùng với việc thành lập Trung tâm Ngân hàng số, BIDV còn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đã có những dấu mốc đáng nhớ trên hành trình CĐS.

Tháng 8/2020, BIDV đã tổ chức Lễ phát động Chiến dịch CĐS nền khách hàng, với chủ đề “BIDV Digi Up - Thay đổi để dẫn đầu”. Đây là một bước đi mạnh mẽ của BIDV trong nỗ lực CĐS hoạt động ngân hàng nhằm phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn...
                
   

Lễ phát động Chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng với chủ đề “BIDV Digi Up - Thay đổi để dẫn đầu” ngày 12/8/2020. Ảnh: BIDV

   

Tháng 3/2021, BIDV đã cho ra mắt dịch vụ Ngân hàng số hoàn toàn mới SmartBanking trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây, tạo sự trải nghiệm đồng nhất và liền mạch cho khách hàng (omni-channel).

Tính năng định danh điện tử khách hàng (eKyc) trên SmartBanking góp phần mở ra xu hướng giao dịch ngân hàng số khép kín 100%, giúp khách hàng có thể đăng ký mở mới tài khoản trực tuyến và giao dịch ngay trên SmartBanking thế hệ mới mọi nơi, mọi lúc mà không mất thời gian tới quầy giao dịch của ngân hàng.

Đến cuối năm 2021, ngân hàng số thế hệ mới BIDV SmartBanking ghi nhận lượng người dùng tăng trưởng từng ngày, với gần 7 triệu khách hàng. Sự ra đời của ứng dụng này là minh chứng cho tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Phan Đức Tú: “CĐS đòi hỏi ý chí quyết tâm bền bỉ, mãnh liệt và sự dũng cảm của tất cả để bỏ đi những cái cũ và tạo lập cái mới”.

Đó cũng được xem là tôn chỉ, mục đích, cách thức để BIDV bứt tốc trong hành trình CĐS toàn diện, hướng đến mọi đối tượng người dùng.

Với mong muốn xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện, BIDV đã kết nối với hơn 2.400 dịch vụ thanh toán cùng hơn 1.200 đối tác trên BIDV SmartBanking, giúp khách hàng có thể thực hiện nhiều giao dịch cả trong lẫn ngoài ngân hàng.

BIDV cũng đã triển khai mô hình Marketplace kết nối khách hàng với thị trường địa ốc thông qua ứng dụng BIDV Home, giúp khách hàng có thể tìm kiếm dự án bất động sản và vay mua nhà dễ dàng.

Cùng với đó, BIDV đã triển khai nhiều sản phẩm và tiện ích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số hóa của DN như: Quản lý dòng tiền, tài khoản định danh (virtual account), kết nối với các nền tảng ERP trên nền tảng Openbank cho phép các DN có thể thực hiện được các dịch vụ ngân hàng ngay trên các nền tảng quản trị DN của mình; triển khai chương trình tư vấn tự động sản phẩm kinh doanh vốn và tiền tệ, tài trợ thương mại, mua bán ngoại hối và chuyển tiền quốc tế…

Mỗi dấu mốc CĐS đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, sáng tạo, nhạy bén, dám thay đổi để bứt phá của BIDV.

4 trụ cột chuyển đổi số

Việc triển khai các sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại đã mang lại những thành quả tích cực cho BIDV.

Tính đến quý III/2021, các kênh số và tự phục vụ đã chiếm tới 91% tổng giao dịch toàn hàng, đưa tỷ trọng các giao dịch xử lý tại quầy giảm xuống còn 9% (năm 2020 tỷ lệ này là 13%).

Số lượng người dùng cá nhân qua kênh mobile (Smartbanking) tăng trưởng 38,69% so với năm 2020, đạt 6,1 triệu khách hàng. Số lượng khách hàng DN sử dụng kênh số (iBank) tăng 30,53% so với năm 2020, đạt 71.500 khách hàng.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, kênh giao dịch ngân hàng số cho khách hàng DN (iBank) tại BIDV được triển khai với hơn 78.000 khách hàng và mang về lượng giao dịch tăng 31% so với cùng kỳ 2020.

Thành công này đến từ việc BIDV chủ động tiếp cận khuynh hướng ngân hàng mở (openbank). Giờ đây, khách hàng chỉ cần tác nghiệp trên các ứng dụng của mình, thông qua kết nối API với ngân hàng để thực hiện mọi giao dịch tài chính một cách tiện lợi. Đây là xu hướng đang phát triển mạnh trên toàn cầu.
         
Với những kết quả ấn tượng về CĐS, năm 2021, BIDV đã vinh dự nhận Giải thưởng “Ngân hàng CĐS xuất sắc” của Tạp chí Global Finance, Giải thưởng “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc” của Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử Viettimes.
   BIDV còn được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam trao tặng Giải thưởng “Ngân hàng CĐS tiêu biểu” năm 2020 và 2021.

Từ nay đến năm 2025, tầm nhìn tới 2030, BIDV tiếp tục CĐS với 4 trụ cột gồm: Số hóa 360 độ; xây dựng hệ sinh thái số đa dạng xung quanh các dịch vụ; xây dựng nền văn hóa, năng lực số và phát triển nguồn nhân lực; trở thành một trong những đơn vị đồng hành với Chính phủ thí điểm dẫn dắt thị trường CĐS.

Trong đó, với số hóa 360 độ, BIDV đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ quy trình vận hành từ quản trị nội bộ đến các kênh phân phối, cung ứng, lấy nền tảng công nghệ làm mũi nhọn, đảm bảo khách hàng có được sự liền mạch cho dịch vụ từ online tới offline (O2O).
                
   

Khách hàng trải nghiệm công nghệ số của BIDV. Ảnh:BIDV

   

Việc xây dựng hệ sinh thái số đa dạng giúp ngân hàng mở rộng thị phần, đồng thời hỗ trợ người dùng thực hiện nhiều giao dịch thanh toán với một tài khoản, ứng dụng duy nhất. Cùng với đó, BIDV vẫn duy trì nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm CĐS mới để bắt nhịp với xu thế chung của thế giới.

Là ngân hàng thương mại tiên phong trong hoạt động CĐS, BIDV xác định tầm nhìn đến 2030 trở thành “định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, phấn đấu thuộc nhóm 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á”.

Hiện thực hóa mục tiêu trên, BIDV đã, đang và sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số trên các mặt hoạt động: Xây dựng và phát triển đồng bộ các kênh phân phối hiện đại, xây dựng đồng thời các kênh tự phục vụ (e-zone) tại phòng giao dịch, phối hợp triển khai một số sản phẩm sáng tạo…

Đây là những hành động thiết thực giúp BIDV tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong hành trình CĐS của ngành ngân hàng, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu CĐS quốc gia./.

THÀNH ĐỨC

Cùng chuyên mục
  • Đa dạng hóa nguồn vốn vay ưu đãi giúp sinh viên vững bước đến trường
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong bối cảnh giáo dục bước vào lộ trình tăng học phí mới, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn sau những tác động của đại dịch khiến cơ hội học tập của sinh viên (SV) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, theo ý kiến chuyên gia và đại biểu Quốc hội, cùng với việc nâng cao hiệu quả của nguồn vốn vay chính sách, cần đa dạng hóa nguồn vốn vay ưu đãi dành cho SV, giúp các em có thêm điểm tựa tài chính để vững bước đến trường.
  • Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Từ năm 2023, tất cả 100% văn bản quy phạm pháp luật, thông tin pháp luật được công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, bảo đảm cho người dân khai thác, sử dụng được thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng.
  • Khẩn trương đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) – Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân (gọi chung là BHXH tỉnh) về việc đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT).
  • Tích cực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, không kéo dài Thông tư 14
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) – Các ngân hàng đang tích cực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% trên toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) không đặt vấn đề kéo dài kéo dài Thông tư 14 nhưng sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN.
  • Vì sao vẫn phải kiểm soát room tín dụng?
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) – Xét cả về mặt lịch sử, điều kiện hiện nay của Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế, việc kiểm soát room tín dụng là cần thiết.
BIDV và hành trình chuyển đổi số