Đà Nẵng không bầu Hội đồng nhân dân của 6 quận và 45 phường
Thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, cấu trúc chính quyền của TP. Đà Nẵng giống như các tỉnh, thành phố khác, gồm: HĐND và UBND. Còn ở cấp hành chính quận, phường chỉ có UBND mà không còn HĐND các cấp, do từ ngày 30/6/2021, HĐND quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ kết thúc nhiệm vụ theo điều khoản chuyển tiếp (Điều 12 Nghị quyết số 119/2020/QH14).
Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể, ở đơn vị hành chính cấp huyện, xã vẫn gồm có UBND và HĐND.
Như vậy, trong kỳ bầu cử lần này, trên địa bàn TP. Đà Nẵng chỉ tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng, đại biểu HĐND huyện Hòa Vang và đại biểu HĐND các xã thuộc huyện Hòa Vang nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Khoản e, Điều 10, Nghị quyết số 119/2020/QH14, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng sẽ kết thúc chậm nhất là quý IV năm 2023. “Chính phủ có báo cáo sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù tại thành phố Đà Nẵng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định” – Nghị quyết nêu rõ. Điều này đồng nghĩa với việc, TP. Đà Nẵng sẽ không còn mô hình HĐND quận và phường trong 3 năm tới.
Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh là ba địa phương khác biệt so với cả nước, khi không bầu đại biểu HĐND cấp phường. Ảnh: N.LỘC |
Thành phố Hồ Chí Minh không bầu Hội đồng nhân dân quận, phường
Trong khi Hà Nội và Đà Nẵng sẽ thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị thì đối với TP. Hồ Chí Minh, mô hình chính quyền đô thị sẽ chính thức được triển khai từ ngày 01/7/2021, theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, sau một thời gian thí điểm mô hình này từ trước đó.
Nghị quyết nêu rõ: chính quyền địa phương ở TP. Hồ Chí Minh là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND thành phố và UBND thành phố. Chính quyền địa phương ở quận tại thành phố là UBND quận; ở phường là UBND phường (Điều 1 Nghị quyết số 131/2020/QH14), như vậy là không còn cấp HĐND quận, phường.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2021. Tuy nhiên, việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 01/7/2021, theo điều khoản chuyển tiếp (Điều 11).
Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.
Với thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh, thì vẫn tổ chức HĐND thành phố, nhưng 34 phường trực thuộc sẽ không tiến hành bầu đại biểu HĐND nhiệm kỳ tới.
Đến nay, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên và duy nhất được chính thức triển khai mô hình chính quyền đô thị và không bầu HĐND cấp quận, phường.
Liên quan đến công tác nhân sự cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, theo danh sách chính thức 868 người ứng cử ĐBQH khóa XV do Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố, TP. Hồ Chí Minh có 50 người ứng cử ĐBQH khóa XV tại 10 đơn vị bầu cử để bầu 30 đại biểu Quốc hội khoá XV và là địa phương có số người ứng cử ĐBQH lớn nhất cả nước.
Mới đây, Ủy ban bầu cử TP. Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 158 ứng cử viên HĐND Thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tại 32 đơn vị bầu cử để bầu 95 đại biểu.
Công tác chuẩn bị cho bầu cử đã hoàn tất
Là số ít địa phương của cả nước có những khác biệt trong công tác bầu cử, các thành phố Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đã thể hiện những điểm nổi bật trong công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Ủy ban bầu cử TP. Hồ Chí Minh, đến nay công tác chuẩn bị cho đợt bầu cử ĐBQH đang được thực hiện đúng trình tự quy định. Các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND đã chuẩn bị tốt nội dung tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động gửi về Ủy ban bầu cử Thành phố; Ủy ban bầu cử đã thực hiện đúng quy định việc công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND theo từng đơn vị bầu cử; công tác tuyên truyền cổ động cho công tác bầu cử tiếp tục diễn ra sôi động, tạo sự quan tâm ngày càng nhiều hơn của các tầng lớp nhân dân…
Các bộ phận chức năng chuẩn bị tổ chức diễn tập sử dụng thử nghiệm phần mềm công tác bầu cử; đảm bảo việc khắc phục các lỗi kỹ thuật, các nội dung chưa hoàn chỉnh của phần mềm; chuyển tải thông tin cử tri, danh sách ứng cử viên vào phần mềm bầu cử; kiểm tra hệ thống, rà soát dữ liệu chặt chẽ trước ngày bầu cử; tập trung kiểm tra các địa phương triển khai và thực hiện hướng dẫn tổ chức ngày bầu cử; công tác chuẩn bị phương án bỏ phiếu trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19.
Tại Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy định, lộ trình. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc niêm yết danh sách, tiểu sử người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Hiện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các địa phương đang phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, đảm bảo để người ứng cử được tiếp cận rộng rãi với cử tri và bảo đảm bình đẳng giữa những người ứng cử bằng các hình thức phù hợp, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
NGUYỄN LỘC