Các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá Đà Nẵng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, thương mại, quân sự và quốc phòng; thành phố đáng sống, một trung tâm du lịch của cả nước trên "Con đường di sản" miền Trung, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đầu mối giao thông quan trọng.
Với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-TW.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, vừa được thay thế bằng Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 phê duyệt Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
6 ấn tượng với Đà Nẵng
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rất quan tâm tới sự phát triển của Đà Nẵng và sẽ sớm làm việc với thành phố. Thủ tướng cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng bày tỏ 6 "ấn tượng" với Đà Nẵng: Đà Nẵng đã khắc phục hậu quả và tiếp tục phát triển sau đại dịch Covid-19; góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ nhiều vấn đề "điểm nghẽn" cơ chế, chính sách; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến và cải cách hành chính; triển khai nghiêm túc các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề nổi lên trên địa bàn; Đà Nẵng ngày càng khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của một cực tăng trưởng, trung tâm tăng trưởng của miền Trung và của cả nước, phát triển toàn diện, hài hòa, nhanh và bền vững; có cơ sở, có tiền đề và phát huy khí thế, truyền thống của Đà Nẵng, vận dụng sáng tạo, ứng dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cùng với đó, trong triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với Đà Nẵng lần trước, Đà Nẵng có nhiều tiến bộ, hoàn thành nhiều việc quan trọng như xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách trình các cấp có thẩm quyền; triển khai xây dựng hạ tầng dùng chung cho cảng Liên Chiểu, đây là một điểm nhấn; thúc đẩy dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Hòa Liên- Túy Loan qua địa bàn (hoàn thành vào 30/8/2025)…
Tuy nhiên, Thủ tướng bày tỏ "5 trăn trở" khi Đà Nẵng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; cần phát triển toàn diện hơn cả về công nghiệp, dịch vụ, kinh tế nông nghiệp; còn nhiều vướng mắc, dự án tồn đọng kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, gây lãng phí nguồn lực; phát triển nhanh nhưng phải bền vững, hài hòa hơn về kinh tế, xã hội, văn hóa, con người; phát triển hạ tầng chiến lược, kết nối các phương thức vận tải phải nỗ lực hơn nữa.
Phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 8-8,5%
Sau khi phân tích, chia sẻ một số bài học kinh nghiệm, để Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững, hài hòa, toàn diện, Thủ tướng gợi ý Đà Nẵng thực hiện "3 tiên phong, đột phá, đi trước mở đường".
Thứ nhất, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể là huy động nguồn lực ngoài nhà nước để phát triển, nhất là phát triển hạ tầng.
Thứ hai, đổi mới sáng tạo, vận dụng linh hoạt, hiệu quả những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào điều kiện cụ thể của Đà Nẵng; tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm.
Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian tuân thủ, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030; Nghị quyết 136 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Đồng thời, phải nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của Thành phố, sứ mệnh đầu tàu, tiên phong, đột phá, đi trước mở đường; phát huy mạnh mẽ vai trò đầu tàu kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, một cực tăng trưởng, phát triển của miền Trung và cả nước.
Cùng với đó, nỗ lực hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024 và cả nhiệm kỳ, ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 8-8,5%, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng tập trung xây dựng, triển khai các kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Quy hoạch thành phố Đà Nẵng, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch.
Xây dựng đề án phát triển khu thương mại tự do theo Nghị quyết 136 của Quốc hội; huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư, tăng thu, tiết kiệm chi, mở rộng cơ sở thu để đầu tư phát triển; xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài để giải phóng nguồn lực.
Thủ tướng cũng yêu cầu Đà Nẵng đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số; nghiên cứu xây dựng, áp dụng các cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Thủ tướng lưu ý phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; đẩy mạnh hội nhập và đối ngoại, tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi và Thủ tướng đã cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của Đà Nẵng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" với Đà Nẵng; giải quyết công việc, các khó khăn, vướng mắc có đầu ra.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã khảo sát 2 vị trí dự kiến xây dựng khu dịch vụ thương mại thuộc khu thương mại tự do Đà Nẵng, gồm khu vực nghiên cứu lấn biển ven đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê rộng khoảng 420 ha và khu 90 ha chân núi Bà Nà, huyện Hòa Vang (đã được quy hoạch đất thương mại dịch vụ); kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng dùng chung khu bến Liên Chiểu, tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu.
Thủ tướng cũng kiểm tra thi công dự án đường bộ cao tốc Hòa Liên-Túy Loan; giải quyết vướng mắc liên quan nguồn vốn 400 tỷ đồng đầu tư nút giao giữa cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, cao tốc Hòa Liên-Túy Loan, Quốc lộ 14B; thăm trường Hope School do tập đoàn FPT đầu tư, xây dựng để đón các em nhỏ không may mắn, mất cha mẹ do đại dịch Covid-19./.