Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Quang: Rà soát, xử lý những bất cập trong chính sách thu ngân sách nhà nước

(BKTO) - Tham gia thảo luận tại phiên họp chiều 30/10, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang đã tập trung phân tích, chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại trong chính sách thu ngân sách và đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát, sớm giải pháp khắc phục những quy định bất hợp lý.



Chính sách thu chưa theo kịp thực tiễn

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Quang, những năm qua, kinh tế phát triển ổn định đã tác động tích cực đến tình hình thu NSNN; tỷ trọng thu nội địa tăng dần trong tổng thu NSNN và giảm dần sự phụ thuộc vào thu từ dầu thô, đất đai; ngân sách trung ương 2 năm gần đây thu vượt dự toán.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, chính sách thu ngân sách còn nhiều hạn chế và chúng ta đang đối diện với nhiều thách thức để hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020.
                
   

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang phát biểu tại một phiên thảo luận ở tổ- Ảnh: quochoi.vn

   

Khái quát một số tồn tại về chính sách thu ngân sách, đại biểu Quang chỉ rõ:

Thứ nhất, việc mở rộng cơ sở thuế chưa đạt yêu cầu. Mặc dù kinh tế đất nước đang phát triển nhanh chóng, các hình thức sản xuất kinh doanh ngày càng đa dạng nhưng các chính sách về thu ngân sách chưa theo kịp để bao quát hết nguồn thu cho NSNN.

Các hoạt động cung cấp dịch vụ, mua bán hàng hóa xuyên biên giới, thương mại điện tử ngày càng đa dạng và gia tăng nhanh chóng về khối lượng giao dịch nhưng chưa có công cụ hữu hiệu để quản lý, gây thất thu NSNN.

Nhiều dịch vụ phát sinh doanh thu lớn tại Việt Nam nhưng chúng ta không thu được thuế do các DN cung cấp dịch vụ không đặt trụ sở tại Việt Nam.

Các loại hàng hóa có hại cho môi trường như rác thải nhựa, chất tẩy rửa công nghiệp vẫn chưa được đưa vào danh mục hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường; một số mặt hàng chịu Thuế Tiêu thụ đặc biệt có thể áp dụng thuế tuyệt đối để tăng thu ngân sách và quản lý tốt nguồn thu nhưng chưa được thực hiện.

Những bất cập nêu trên đã làm cho tỷ trọng huy động GDP từ thuế, phí vào NSNN giảm dần qua các năm. Năm 2018 tỷ lệ huy động là 21,2% GDP, năm 2019 là 20,2%GDP và dự kiến năm 2020 chỉ còn 19,2%). Đây là một tỷ lệ rất thấp nếu so sánh với quốc tế.

Theo đại biểu Quang, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ là tăng thuế suất và nguồn thu từ thuế mà còn phụ thuộc vào năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhưng với những con số trên có thể thấy, tỷ lệ huy động này còn quá thấp. Nếu trong thời gian tới chúng ta đưa 25% GDP của thành phần kinh tế chưa quan sát vào nữa thì tỷ lệ này lại càng thấp.

Thứ hai, việc rà soát các ưu đãi về thuế, giảm tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội vào các luật thuế chưa được thực hiện. Hiện nay, tại các luật như Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế Thu nhập DN, Luật Thuế Xuất, nhập khẩu còn nhiều ưu đãi bất hợp lý, không chỉ đối với đối tượng hàng hóa nhất định mà còn với các lĩnh vực sản xuất và địa bàn đầu tư.

Thứ ba, việc ban hành các văn bản dưới luật để thực hiện các luật về thuế còn chậm so với hiệu lực thi hành của luật, làm thất thu NSNN. Việc Quốc hội cho ý kiến về việc lùi thời hạn thu tiền cấp quyền sử dụng, khai thác khoáng sản và tài nguyên nước là một ví dụ.

Ngoài ra, còn một số văn bản dưới luật ban hành sau ngày luật có hiệu lực nhưng lại quy định có hiệu lực từ thời điểm luật có hiệu lực, tức là hồi tố - là quy định bất hợp lý, trái với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gây bức xúc cho người dân và DN.

Nhiều chính sách về thuế còn bất hợp lý

Một bất cập khác được đại biểu Nguyễn Hữu Quang chỉ ra là việc ban hành một số chính sách trong một số Luật liên quan đến thuế bất hợp lý. Một số nội dung tại một số nghị định, thông tư trái luật hoặc không đúng thẩm quyền nhưng chậm được khắc phục.

Minh chứng cho đánh giá trên, đại biểu dẫn chứng: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế quy định, các mặt hàng phân bón, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đánh bắt xa bờ, thức ăn gia súc, gia cầm là đối tượng không chịu Thuế GTGT nên không được khấu trừ và hoàn Thuế GTGT đầu vào.

Quy định này tưởng là ưu đãi nhưng thực tế không làm giảm giá sản phẩm phục vụ cho nông dân và ngư dân vì DN phải hạch toán phần Thuế GTGT đầu vào không được hoàn vào giá thành sản xuất. Hậu quả là nông dân, ngư dân vẫn phải mua sản phẩm với giá cao, trong khi DN sản xuất trong nước phải vất vả cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, Luật Thuế GTGT quy định, sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa trong đó giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm trên 51% giá thành, thuộc đối tượng không chịu thuế và không được miễn thuế xuất khẩu theo Luật Thuế Xuất, nhập khẩu.

Quy định này bất hợp lý ở chỗ, cơ cấu giá thành sản xuất theo thời gian, đặc biệt là những DN đang trong quá trình thu hồi vốn đầu tư. Mặt khác, DN không có nghĩa vụ phải công bố giá thành cũng như cơ cấu giá thành; đồng thời các DN mua hàng đó để xuất khẩu lại các không biết giá thành là bao nhiêu và cơ cấu giá thành như thế nào.

Cùng với đó, Nghị định 20/2017/NĐ-CP, tại khoản 3, Điều 8 quy định mức khống chế lãi vay tối đa không quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ, áp dụng cho tất cả các khoản vay từ bên liên kết và bên không liên kết (các ngân hàng). Quy định này không phù hợp với Luật Thuế Thu nhập DN, Luật Quản lý thuế và thông lệ quốc tế.

“Tôi cho rằng, với thẩm quyền quyền của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể đình chỉ thi hành những nội dung này cho đến khi sửa đổi”- đại biểu Quang đề xuất.

Đại biểu Quang cũng chỉ ra, các quy định tại Luật số 71/2014/QH13 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và Luật số 106/2016/QH13 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế GTGT, Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, còn gây ra cách hiểu khác nhau đối với việc hoàn thuế và khấu trừ Thuế GTGT với các DN đầu tư mở rộng sản xuất hoặc có phân kỳ đầu tư, dẫn đến khiếu kiện của DN đối với kết luận của cơ quan thuế và cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Từ những bất cập trên, đại biểu Quang đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát và xử lý các tồn tại nêu trên để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu cho NSNN.

N. HỒNG

Cùng chuyên mục
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Quang: Rà soát, xử lý những bất cập trong chính sách thu ngân sách nhà nước