Đại biểu Quốc hội trăn trở trước thực trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực đất nước

(BKTO) - Chi chuyển nguồn lớn, giải ngân vốn chậm, thất thoát trong thu thuế, quản lý đất đai… là những vấn đề khiến đại biểu Quốc hội trăn trở, cử tri bức xúc.




Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 25/5. Ảnh: quọhoi.vn

Trong một ngày rưỡi (cả ngày 25 và sáng 26/5) thảo luận vềđánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); quyết toán NSNN năm 2016, các đại biểu Quốc hội đã đề cập đến mọi “ngóc ngách” của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu lên thực trạng nguồn lực đất nước bị thất thoát, lãng phí và đề nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp rốt ráo để khắc phục tình trạng này.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề cập đến nhiều khía cạnh gây thất thoát nguồn lực đất nước. Theo đại biểu, cử tri phấn khởi với kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn tâm tư, trăn trở trước sự lãng phí, thất thoát NSNN, nhất là trong công tác quản lý đất đai, xây dựng cơ bản. Đó là tình trạng giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án lớn nhưng chưa thu tiền sử dụng đất, đất để hoang nhiều năm không triển khai, trong khi nhân dân thiếuđất sản xuất. Tình trạng dự án treo còn xảy ra nhiều, thậm chí, tình trạng đầu cơ chọn đất “vàng” để chuyển nhượng, mua, bán trục lợi cá nhân, còn Nhà nước thất thoát lớn cũng xuất hiện.

         
“Thực tiễn 12 đại dự án thua lỗ mà Chính phủ đang xử lý hiện nay là ví dụ nhãn tiền. Gần đây, KTNN phát hiện những sai phạm tại các dự án BOT, BT, cổ phần hóa DN, cá biệt như dự án nạo vét kè sông Sào Kê ở Ninh Bình điều chỉnh tăng đến 36 lần từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ, điều đó chứng minh tâm tư của cử tri là có cơ sở. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo rốt ráo căn bản những vấn đề này.”
   Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu

Dẫn báo cáo của KTNN về tình trạng kê khai, nộp thiếu thuế; xác định sai chi phí từ đó tính thiếu Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập DN diễn ra khá phổ biến và gây thất thoát lớn cho ngân sách, trong khi việc hậu kiểm của các cơ quan chức năng còn quá ít (chỉ 18,6%), đại biểu kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo, xử lý nguyên nhân này; đồng thời, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính một cách thường xuyên, quyết liệt hơn nữa, không để nợ công, nợ thuế, nợ xấu gia tăng gây áp lực xấu cho nền kinh tế.

Chung quan điểm, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) nêu thực tế, việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản nhà nước vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, xảy ra nhiều vụ việc nổi cộm. “Nhiều địa phương, cơ quan, DNNN buông lỏng quản lý, để hoang, sử dụng sai mục đích nhiều khu đất có giá trị; bán, cho thuê nhiều nhà đất công không đúng đối tượng, giá thành quá thấp gây thất thoát, lãng phí lớn; tình trạng định giá tài sản công không đúng trong cổ phần hóa DNNN; việc quản lý trụ sở, mua sắm tài sản, chi NSNN tại các cơ quan, DN còn nhiều vi phạm.

Theo đại biểu: “Trong điều kiện dư địa tăng trưởng kinh tế dần bị thu hẹp, việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản và các nguồn lực khác của Nhà nước phải là nhiệm vụ cấp thiết và có giải pháp đột phá, tạo chuyển biến thực chất”.

Theo đó, phải ưu tiên sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, công khai minh bạch kết quả thanh tra, kiểm toán; giám sát việc thu chi ngân sách, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là tại các cơ quan, đơn vị, lĩnh vực có nguy cơ thất thoát, lãng phí tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm, việc bao che tiếp tay lợi ích nhóm.


Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Chính phủ cần sớm tập trung giải pháp, nguồn lực chỉ đạo tổng kiểm tra về đất đai cả nước, tập trung ở những đô thị, khu vực đất “vàng”, khu vực chuẩn bị hình thành các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Đại biểu chia sẻ, nhân dân bất bình, thậm chí phẫn nộ vì nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là đất "vàng", đất "bạc" rơi vào tay các DN “bạch tuộc” không đầu tư cho sản xuất mà chăm chăm vào sang nhượng dự án và phân lô bán nền bằng nhiều hình thức, làm thất thu lớn NSNN.

Không ít DN có dấu hiệu là sân sau của một số quan chức, cùng cộng sinh thâu tóm, lũng đoạn bằng nhiều thủ đoạn, mưu mô, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì lợi ích nhóm.

Tiếc tục mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết của ngành tài chính đầu năm 2018 là: Công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, có nhiều thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn có nhóm lợi ích làm phép để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công.

Theo đại biểu, một vấn đề đáng lo ngại nữa là các dự án BT, “nói nôm na là đổi đất lấy công trình”, đang diễn ra ở nhiều địa phương, khiến một lượng đất không nhỏ, trong đó có cả đất công ở những vị trí đắc địa lần lượt rơi vào tay DN.

         
“Lẽ ra các dự án đổi đất phải mang lại những công trình, giải quyết cho nhu cầu bức thiết của người dân như bệnh viện, trường học hay những công trình phục vụ cộng đồng. Nhưng thật đáng tiếc, hằng năm, hàng ngàn hecta đất “vàng”, đất “kim cương” của Nhà nước và của người dân bị thu hồi, giải tỏa chỉ để đổi lấy trụ sở, trung tâm hội nghị, thậm chí là cổng chào hay tượng đài.”
   Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, con số chi chuyển nguồnnăm 2017 là 297.387 tỷ đồng - cao nhất trong 3 năm gần đây - là một khoản lãng phí. Đại biểu đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công, cơ quan soạn thảo cần đưa vấn đề này vào theo hướng thu hẹp phạm vi chuyển nguồn, đảm bảo kỷ luật tài chính.

Còn theo đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), việc chấp hành kỷ luật tài chính, ngân sách chưa nghiêm. Công tác quản lý sử dụng kinh phí thường xuyên của nhiều đơn vị không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ, gây thất thoát, lãng phí NSNN ở các mức độ khác nhau…

Đại biểu đề nghị, cơ quan quản lý cần rà soát, sửa đổi, xây dựng mới hệ thống định mức, chế độ, tiêu chuẩn một cách rõ ràng, minh bạch, đồng bộ cùng với các quy định của pháp luật và từng cơ quan, đơn vị. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để công tác xem xét, đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được khách quan, trung thực và điều quan trọng là phải tính toán được tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP hằng năm để cảnh báo, đưa ra giải pháp.

Nhiều ý kiến đại biểu tập trung đề cập đến nghịch lý khi Chính phủ và các Bộ, ngành đang ra sức tìm các biện pháp để tăng huy động vốn thì tốc độ giải ngân đầu tư công lại ngày càng chậm. Theo đánh giá của các đại biểu, đây là lãng phí, vừa đội vốn lớn, vừa chậm phát huy hiệu quả các công trình, làm tăng nợ công. Các đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích căn cơ nguyên nhân, giải pháp hợp lý để đẩy mạnh tốc độ giải ngân, tránh lặp lại trong những năm tiếp theo.

Đ. KHOA





Cùng chuyên mục
  • Thủ tướng: Việt Nam phải trở thành điểm đến hấp dẫn cho tất cả doanh nghiệp châu Âu
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hôm nay (25/5), tại Hội nghị Gặp gỡ châu Âu (Meet Europe 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng với sự hợp tác hiệu quả của các đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác châu Âu, đang tạo nên một dòng chuyển động tràn đầy sinh khí, tạo nên diện mạo mới, năng động mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.
  • Toàn văn Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 23/5/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
  • Toàn văn Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 21/5/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
  • Sửa “lỗi” chính sách để tăng nguồn thu
    5 năm trước Đối nội
    Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng nay (22/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017) và quyết toán NSNN năm 2016.
  • Kiến nghị hủy bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 159 văn bản; xử lý tài chính hơn 91,3 nghìn tỷ đồng
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Như tin đã đưa, chiều 21/5, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã báo cáo trước Quốc hội Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016. Được tổng hợp từ kết quả kiểm toán của 283 báo cáo kiểm toán tại 229 đơn vị, đầu mối, chủ đề được kiểm toán trong năm 2017 đối với niên độ ngân sách năm 2016 đã phản ánh khá rõ nét những hạn chế, bất cập trong chính sách tài khóa năm 2016; đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Đại biểu Quốc hội trăn trở trước thực trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực đất nước