Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Tư tưởng nhân văn “khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc,”“việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,” “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”... đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là truyền thống văn hiến trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Từ đó, dù ở bất cứ thời điểm, hoàn cảnh lịch sử nào, quyền độc lập của dân tộc gắn liền với tự do, dân chủ, hạnh phúc của nhân dân trở thành kim chỉ nam trong mọi hành động của Đảng, Nhà nước.
Nhìn lại nhiệm kỳ XII, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động, việc kiên định thực hiện bài học lịch sử của dân tộc “lấy dân làm gốc” tiếp tục phát huy sức mạnh của nhân dân, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Qua các phong trào, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định, phát triển đất nước trong điều kiện mới.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tình hình phát triển kinh tế-xã hội đất nước phát triển ổn định; đảm bảo quốc phòng-an ninh, mở rộng công tác đối ngoại.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực. Cùng với đó, năm 2020, việc kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, ứng phó kịp thời với thiên tai, biến đổi khí hậu góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Làm nên những thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ qua có sự đóng góp tích cực của công tác dân vận của cả hệ thống chính trị với tinh thần “bao nhiêu lợi ích đều vì nhân dân.”
Công tác dân vận có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực về nhận thức, tăng cường phối hợp trong toàn hệ thống chính trị; các mô hình, điển hình “dân vận khéo” góp phần tạo sự đồng thuận, động viên nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đổi mới phương thức dân vận trong tình hình mới
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
“Công tác dân vận - Một lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước ta,” “Làm tốt công tác dân vận và liên hệ mật thiết với nhân dân là truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh vô địch của Đảng ta,” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, tháng 5/2016.
Thực hiện nhiệm vụ tăng cường và đổi mới công tác dân vận trên quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ,” cả hệ thống chính trị, nhất là cơ quan nhà nước các cấp đã thực hiện đồng bộ, đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền.
Quốc hội trở thành điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận chính quyền; tăng cường thể chế đường lối, quan điểm của Đảng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống nhân dân, quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp.
Cử tri thành phố Hội An phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN) |
Các dự án luật, nghị quyết được ban hành tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, thu hút sự quan tâm của nhân dân.
Điển hình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi đã bổ sung, làm rõ quy định lấy ý kiến của nhân dân, đối tượng chịu tác động đối với chính sách, pháp luật được ban hành, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia rộng rãi hơn vào quá trình quyết định chính sách, nhất là những chính sách còn nhiều ý kiến khác nhau.
Bên cạnh đó, Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp xúc, tổng hợp và giải quyết kiến nghị của cử tri; hiệp thương và giới thiệu người ứng cử làm đại biểu dân cử; lấy ý kiến nhân dân về những vấn đề quan trọng; lấy phiếu tín nhiệm của người được Quốc hội bầu và phê chuẩn...
Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội quan tâm, xem xét, tiếp thu ý kiến của nhân dân, tạo không gian tranh luận, giải trình những vấn đề còn ý kiến khác nhau, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Hoạt động giám sát tối cao tiếp tục đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, tăng cường giám sát chuyên đề, nhất là những vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, vấn đề bức xúc như môi trường tại khu kinh tế, làng nghề; đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo hiểm y tế; giảm nghèo; tình hình oan sai và bồi thường cho người bị oan sai; thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các công nông trường, lâm trường...
Cùng với đó, Quốc hội đổi mới hoạt động chất vấn theo hướng tranh luận, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu trong việc tổ chức thực thi pháp luật.
Các cơ quan của Quốc hội tiếp hơn 39.000 lượt công dân với hơn 12.000 vụ việc, trong đó có 956 đoàn đông người; tiếp nhận và xử lý khoảng 7.800 đơn thư, kiến nghị, phản ánh; ban hành hơn 5.700 văn bản hướng dẫn, trả lời công dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 10 báo cáo giám sát về kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo hằng năm; tổ chức 154 cuộc giám sát với trên 500 vụ việc cụ thể.
Các đoàn đại biểu Quốc hội đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, công tác tiếp công dân, phát huy trách nhiệm, quyền dân chủ của cử tri, đại biểu Quốc hội trong việc góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh và giải quyết kiến nghị của cử tri.
Qua hơn 15.000 cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội tổng hợp hơn 20.000 kiến nghị, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý, trả lời 19.957 kiến nghị của nhân dân.
Mở rộng dân quyền làm chủ của nhân dân
Song song với hoạt động tích cực của Quốc hội, Chính phủ triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 “Về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp.”
Chính phủ và Ban Dân vận Trung ương ký kết Chương trình phối hợp về công tác dân vận giai đoạn 2016-2021.
Triển khai “Năm dân vận chính quyền” 2018 và 2019, “Năm dân vận khéo” 2020, các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp có nhiều đổi mới về hình thức và nội dung hoạt động, đạt được những kết quả quan trọng trên tinh thần vì nhân dân, chăm lo, nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân và mở rộng dân chủ, phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ cho các em học sinh các dân tộc tại Trường THPT Mường Nhé (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN) |
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo.”
Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ xây dựng Đề án giải quyết các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới” nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, tăng cường đổi mới, tạo sự chuyển biến từ nhận thức về công tác dân vận trong tình hình mới.
Qua đó, công tác dân vận gắn với chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân, gắn với thực hiện phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả,” tích cực đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng mở rộng dân quyền làm chủ của nhân dân, công khai, minh bạch.
Chính phủ xây dựng hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân; xây dựng tiêu chí và công bố chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã có các cuộc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, công nhân lao động, nông dân thường niên nhằm lắng nghe, kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nghiên cứu, sửa đổi chính sách liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, nông dân, để họ yên tâm sản xuất, lao động tham gia phát triển kinh tế-xã hội.
Lãnh đạo nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã tổ chức các cuộc đối thoại để tháo gỡ, giải quyết kịp thời những kiến nghị của người dân, doanh nghiệp ngay từ cơ sở.
Việc thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền đã góp phần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; qua đó đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu rõ, làm tốt công tác dân vận chính là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời phải động viên, tổ chức nhân dân tham gia vào quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách đó một cách hiệu quả nhất; cụ thể hóa và thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.”
Điểm sáng "Dân vận khéo"
Cùng với công tác dân vận chính quyền, cả hệ thống chính trị chú trọng triển khai công tác “Dân vận khéo” nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thực tiễn những năm qua, đặc biệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận đã khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” là chủ trương đúng đắn, thiết thực, hợp lòng dân, góp phần đổi mới công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới.
“Dân vận khéo” thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực vận động nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân ngày một tốt hơn.
Chính thức phát động trên cả nước từ năm 2009, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong đã được các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị đồng tình hưởng ứng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước.
Các cấp ủy, tổ chức đảng xác định “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và trở thành phong trào sâu rộng trên mọi lĩnh vực chính trị-xã hội, ở tất cả các cấp, các ngành, trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Phong trào “Dân vận khéo” dần trở thành phương thức quan trọng trong công tác vận động nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Hơn 10 năm qua, cả nước đã có hơn 900 nghìn mô hình, điển hình tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp.
Điển hình, ở ấp 1, xã Thanh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp có một con đường trải nhựa, rộng thẳng tắp với sắc tím, sắc vàng của các loại hoa, thay thế cho đường nhỏ cũ, mịt mù bụi vào ngày nắng, lầy lội vào ngày mưa, được người dân gọi là con đường “Dân vận khéo.” Bởi, con đường được làm nên từ sự chung tay, góp sức của người dân địa phương.
Đó là tấm lòng thảo thơm của ông Phan Thanh Hồng, bỏ qua vị kỷ của bản thân, hiến 1 ha đất của gia đình để làm đường nông thôn. Ông mong muốn góp phần nhỏ bé để người dân “bớt vất vả,” xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Từ tấm gương của ông Hồng, nhiều người dân xã Thanh Lợi chung tay đóng góp sức người, sức của, ngày công lao động để làm đường, làm cầu, xây nhà cho hộ nghèo, đưa địa phương cán đích nông thôn mới sớm hơn kế hoạch.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và nhân dân, thông qua các phong trào “Dân vận khéo,” Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện.
Đến nay, cả nước có 5.385 xã (60,5% số xã), 152 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh, còn khoảng 5,7%; 96% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2-2,5 lần... Diện mạo nông thôn nước ta đã có nhiều đổi thay rõ rệt.
Tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định, những thành tựu của Đảng ta 90 năm qua, có sự đóng góp to lớn, quan trọng của công tác dân vận của Đảng và cả hệ thống chính trị; phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, vận động, tập hợp, tổ chức và hướng dẫn quần chúng nhân dân theo lời Bác dạy: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó.”
Hướng về cơ sở, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, quan tâm hơn đến cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với nhân dân.
Công tác dân vận đã động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Theo vietnamplus.vn