Đảm bảo cơ chế xử lý đơn thư của cơ quan dân cử

(BKTO) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể hơn về cơ chế xử lý đối với các loại đơn thư của công dân gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

binh.jpg
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. Ảnh: VPQH

Chất lượng phân loại, xử lý đơn còn hạn chế

Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023, tại phiên họp Quốc hội sáng 22/11, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết: Trong năm 2023, số lượt công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tăng 1.615 vụ việc và tăng 102 lượt đoàn đông người so với năm 2022.

Riêng tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội ở Hà Nội, số lượt công dân tăng 752 lượt người với 877 vụ việc và 48 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội cũng tăng 1.384 đơn so với năm 2022.

Theo đánh giá, việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH thực hiện ngày càng bài bản, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Nhiều vụ việc phức tạp, đông người đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm đã củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH với cử tri và nhân dân.

Tuy nhiên, ông Dương Thanh Bình cũng nêu rõ, việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có một số tồn tại, hạn chế như: Việc chủ động tổ chức, thực hiện tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, ĐBQH ở một số địa phương còn hạn chế, còn phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của Đoàn ĐBQH.

Ngoài ra, chất lượng phân loại, xử lý đơn còn hạn chế, vẫn còn tình trạng chuyển đơn đến cơ quan không đúng thẩm quyền giải quyết. Nhiều vụ việc đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, đã được các cơ quan trung ương và địa phương rà soát, có thông báo chấm dứt việc thụ lý, giải quyết nhưng một số cơ quan vẫn chuyển đơn đề nghị xem xét lại vụ việc mà không nêu rõ căn cứ, lý do dẫn đến khó khăn, tạo áp lực cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Sớm sửa đổi quy định về phân loại, xử lý đơn của cơ quan dân cử

Thảo luận vấn đề này, từ thực tiễn công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn ĐBQH, cá nhân ĐBQH đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) chỉ ra một số bất cập, nhất là việc hiện chưa có quy định về phân loại đơn đối với các cơ quan dân cử.

kieu.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Đại biểu chỉ rõ, việc phân loại đơn để xử lý mà không xử lý của cơ quan dân cử sẽ dẫn đến một thực tế là, nếu áp dụng triệt để các quy định về đơn, thư đủ điều kiện thụ lý thì số lượng đơn đủ điều kiện được xử lý sẽ rất ít. Bởi đa số công dân khi gửi đơn tới các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các đoàn ĐBQH thì cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xem xét, trả lời song họ thấy chưa thỏa đáng.

“Cùng một nội dung nhưng đơn gửi đến cơ quan Quốc hội, ĐBQH không phải người dân mong muốn nhờ đại biểu làm công tác bưu tá mà mong muốn Quốc hội, các đoàn ĐBQH, các ĐBQH đôn đốc, giám sát, theo dõi việc giải quyết đã đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hay chưa” - đại biểu nói.

Do đó, đại biểu kiến nghị UBTVQH sớm nghiên cứu sửa đổi các quy định về phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị UBTVQH tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đại biểu dân cử và cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc của các ĐBQH về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư…

Đồng thời, UBTVQH cần nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đơn thư sử dụng chung giữa các cơ quan của Quốc hội, các đoàn ĐBQH để thuận lợi hơn trong việc quản lý, lưu trữ, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư của đoàn ĐBQH tại địa phương còn mang tính chất hành chính, dừng lại ở việc chuyển đơn; đối với một số đơn thư hợp lệ thì bao gồm các bước nhận đơn, đọc đơn, chuyển đơn, nhận trả lời đơn là chủ yếu.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do đoàn ĐBQH không nắm bắt được hết nội dung, quá trình giải quyết khiếu nại, chỉ đơn thuần dựa trên dữ liệu nội dung đơn để phân loại xử lý. Vì vậy, có trường hợp chuyển đơn đến cơ quan không còn thẩm quyền giải quyết.

Mặt khác, theo đại biểu, do chưa có một số hướng dẫn cụ thể về văn bản trả lời của các cơ quan, đơn vị nên đoàn ĐBQH thường nhận được văn bản trả lời rất vắn tắt, mang tính chất thông báo vụ việc này đã được giải quyết hay chưa mà không có giải trình rõ ràng quy trình giải quyết nên không có cơ sở đánh giá, nắm bắt toàn diện vụ việc. Ngoài ra, chưa có chế tài đủ mạnh đối với trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị không phúc đáp đơn cho đoàn ĐBQH; dẫn đến việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan có thẩm quyền chưa được thực hiện thường xuyên.

Để hạn chế trường hợp nhiều vụ việc đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, đã được các cơ quan trung ương và địa phương rà soát, có thông báo chấm dứt việc thụ lý, giải quyết nhưng đoàn ĐBQH vẫn chuyển đơn, đại biểu đề nghị: Với các địa phương, cần có quy định thống nhất về phần mềm như đơn thư khiếu nại, tố cáo riêng với hệ thống quản lý văn bản và điều hành để dễ tra cứu, theo dõi các vụ việc.

Đối với trung ương, cần mở hệ thống phần mềm tập hợp, tổng hợp các vụ việc phức tạp, nổi cộm đã chấm dứt thụ lý để giảm tải lượng đơn của đoàn ĐBQH. Đồng thời, đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, hướng tới việc chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.

Đồng tình với các phân tích trên, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) đề nghị, cần rà soát, nghiên cứu xem xét quy định cụ thể đảm bảo cơ chế cho ĐBQH, đoàn ĐBQH thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đây cũng là điều kiện để công dân chia sẻ, đồng thuận với việc xử lý đơn thư của ĐBQH, đoàn ĐBQH.

Cùng chuyên mục
Đảm bảo cơ chế xử lý đơn thư của cơ quan dân cử