Chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới
Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là bước vào năm học mới 2021-2022, nhiều địa phương đang gấp rút hoàn tất việc cải tạo, sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất, nhằm tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp cho các trường học.
Tại tỉnh Sơn La, ngay từ khi kết thúc năm học 2020-2021, Sở GD&ÐT đã yêu cầu các phòng GD&ĐT rà soát, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp. Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 352 phòng học được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bổ sung từ nguồn vốn ngân sách và nguồn xã hội hóa. Hiện, tỉnh có hơn 13.240 phòng học; trong đó, có 9.225 phòng học kiên cố, đạt 69,7%; nhiều trường đầu tư phòng vi tính, phòng thực hành, thư viện phục vụ việc dạy và học. Đến thời điểm này, các trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn sàng cho năm học mới.
Việc tăng cường đầu tư giúp cho hệ thống trường, lớp học tại tỉnh Lào Cai từng bước được kiên cố hóa. Ảnh: N.LỘC |
Tại tỉnh Lào Cai, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ở vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được địa phương quan tâm. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đầu tư trên 1.600 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học (tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 73,5%, không còn phòng học tạm)... 100% cơ sở giáo dục đã có nhà lớp học kiên cố tại trường chính; cơ bản đủ phòng học để học 2 buổi/ngày.
Với số lượng phòng học tạm vẫn còn lớn, đặc biệt là tại các địa phương vùng cao, có điều kiện khó khăn là thách thức lớn để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Ảnh: N.LỘC |
Còn tại tỉnh Bắc Giang - địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, nhiều cơ sở trường, lớp được sử dụng làm khu cách ly đã được địa phương sửa chữa, khắc phục hư hỏng để chuẩn bị cho năm học mới; tổ chức khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn trong năm học mới.
Bên cạnh những nỗ lực, nhiều địa phương cũng cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên nhìn chung, các nguồn lực đầu tư dành cho giáo dục rất hạn chế. Với số lượng phòng học tạm, bán kiên cố còn lớn cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến chất lượng dạy và học sắp tới.
Linh hoạt trong dạy, học để ứng phó với dịch bệnh
Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo cho việc dạy, học đạt chất lượng cao nhất, đặc biệt là trong bối cảnh ngành giáo dục sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và lớp 6, nhiều địa phương cũng đã xây dựng kịch bản cho năm học mới, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tại tỉnh Điện Biên, Sở GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát và cho khai báo y tế tại cơ quan, đơn vị đối với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và con em, các thầy cô giáo sau kỳ nghỉ hè 2021; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 để bước vào năm học mới đảm bảo an toàn...
Phun khử khuẩn, đảm bảo phòng, chống dịch trước khi cho học sinh đến trường. Ảnh: N.LỘC |
Trong khi đó, tỉnh Sơn La cũng công bố lịch tựu trường đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên là ngày 16/8/2021; giáo dục mầm non tựu trường vào ngày 01/9/2021. Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, năm học này, sở dĩ học sinh bậc giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ở tỉnh tựu trường sớm 15 ngày so với các năm học trước là để có thời gian dự trữ cho công tác ứng phó với dịch Covid-19. Sở GD&ĐT đã lên kế hoạch, phương án cụ thể ứng phó với từng mức độ của dịch bệnh, nhất là khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh dừng đến trường sẽ tổ chức dạy học online hoặc giao bài, hướng dẫn ôn tập theo phương châm “Dừng đến trường, nhưng không dừng học”.
Tỉnh Bắc Giang, Lào Cai sẽ cho học sinh sẽ tựu trường vào ngày 01/9/2021, riêng đối với lớp 1 là ngày 23/8/2021. Ngày khai giảng năm học mới là ngày 05/9/2021. Ngành giáo dục tại các địa phương này cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức năm học mới trong điều kiện dịch bệnh và sẵn sàng tính đến phương án học online.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2021-2022 dự báo tiếp tục là năm đầy khó khăn, thách thức khi dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị ngành giáo dục cần phải nhận định đầy đủ, thấu đáo, thực tiễn về tình hình dịch bệnh. “Không như các lĩnh vực khác, một khi nền giáo dục bị tổn thương, thời gian để phục hồi sẽ rất dài. Vì thế, phải cố gắng hết sức để giảm thiểu những tổn thương đối với giáo dục” - Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh toàn ngành cần ưu tiên mọi biện pháp để toàn ngành chuyển trạng thái, thích ứng và giảm thiểu các tổn thương, các tác động tiêu cực.
Chuyển sang trạng thái bình thường mới, theo Bộ trưởng, là tùy vào từng nơi, bối cảnh, để hạn chế thấp nhất những tổn thương, ảnh hưởng.Bộ trưởng cũng lưu ý, các địa phương triển khai kế hoạch sao cho linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn. Trong đó, tận dụng tối đa "thời gian vàng" kiểm soát được dịch bệnh hoặc chưa bùng phát dịch để dạy trực tiếp.