Đảm bảo cung cầu hàng hóa dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp

(BKTO) - Bộ Công Thương cho biết, hoạt động thương mại tại các địa phương có dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra bình thường. Nhìn chung, người dân vẫn giữ tâm lý bình tĩnh, tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng đổ xô mua hàng tích trữ.



Tại Hà Nội, Sở Công Thương TP. Hà Nội cam kết đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị không tăng giá, người dân không cần thiết phải mua hàng hóa tích trữ.
                
   

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, ổn định (Ảnh minh họa) - Nguồn: Báo Nhân dân

   

Các doanh nghiệp tại Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhân dân Thủ đô trong 3 tháng với tổng giá trị khoảng 194.000 tỷ đồng. Đồng thời các doanh nghiệp cũng dự kiến lượng hàng hóa hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khác khoảng 21.500 tỷ đồng.

Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội đã và đang tăng cường công tác quản lý, tránh đầu cơ, thổi giá; kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả hàng nhái, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Đáng chú ý, căn cứ theo mức độ lây lan của dịch Covid-19, Hà Nội đã xác định rõ tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo 3 cấp độ. Cấp độ 1 (từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên): 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 (từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc): 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 (từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc): 5.359,05 tỷ đồng.

Tại TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM cũng báo cáo tình hình thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung dồi dào, giá cả không có biến động. Sở đã hướng dẫn các đơn vị/cá nhân đang kinh doanh chợ/chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời thực hiện “Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM” của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Công Thương Vĩnh Phúc cũng đã làm việc với các chợ, siêu thị trên địa bàn để bảo đảm hàng hóa giúp phòng, chống dịch. Các đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác có cam kết cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19.

Tại tỉnh Hà Nam, Sở Công Thương tỉnh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra hàng hóa tại các chợ và siêu thị. Nhìn chung, tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tại TP. Đà Nẵng, trước thông tin về các trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn từ ngày 03/5 đến nay, tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại người dân vẫn mua hàng bình thường. Tuy một số ít người có tâm lý mua hàng dự trữ nhưng vẫn ổn định, không có nhiều biến động.

Tại Thái Bình, Sở Công Thương đã thành lập đoàn đi kiểm tra các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ để nắm bắt tình hình diễn biến thị trường và chỉ đạo các thương nhân kinh doanh thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch cũng như bình ổn thị trường.
                
   

Sở Công Thương tỉnh Thái Bình kiểm tra tình hình tại các cơ sở kinh doanh - Nguồn: Báo Thái Bình

   

Hơn nữa, Sở Công Thương Thái Bình đã tiếp tục kích hoạt kế hoạch bình ổn thị trường, thực hiện kết nối với các thương hiệu nổi tiếng như Masan, Vinmart , Kinh đô, Neptune... và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để cung ứng cho thị trường thông qua các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị.

Bộ Công Thương khẳng định, hàng hóa trên thị trường các tỉnh có dịch khác cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Thời điểm này,Bộ vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu hàng hóa.

Bộ cũng phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch. Song song với đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Được biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2021 đạt 409,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 30,92% so với cùng kỳ năm trước do tháng 4/2020 cả nước thực hiện giãn cách xã hội để chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19./.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Tổ chức tín dụng không được thu phí giao dịch ngoại tệ
    2 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Đó là một trong những yêu cầu quan trọng của Thông tư số 02/2021/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép hoạt động ngoại hối, có hiệu lực từ ngày 17/5 tới.
  • Tiêu dùng online - xu hướng tiện lợi, an toàn và hiệu quả
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, xu hướng hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Phần lớn các hoạt động diễn ra trực tiếp trước đây đã được thực hiện trên môi trường online, nhất là các hoạt động mua sắm, thanh toán trực truyến trên các nền tảng thiết bị công nghệ di động.
  • Covid-19 làm giảm thu nhập và tăng tỷ lệ hộ nghèo
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Đại dịch Covid-19 sẽ làm giảm thu nhập trên đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8% và nhóm có thu nhập thấp nhất sẽ bị giảm đến 10,2% thu nhập, trong khi tỷ lệ hộ nghèo trong ngũ phân vị có thu nhập nghèo nhất sẽ tăng 40%.
  • Bảo đảm chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2 trong bệnh viện, cơ sở y tế
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có Công văn yêu cầu tiếp tục rà soát, tăng cường, củng cố công tác bảo đảm chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2 trong bệnh viện, cơ sở y tế.
  • Thương mại điện tử: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường
    2 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- Đại dịch COVID-19 đem đến nhiều hậu quả nặng nề cho thế giới. Nhìn ở một góc độ khác, đại dịch không phải đưa đến toàn những điều tiêu cực, nó cũng đem đến cho thế giới không ít những đổi thay tích cực … Một trong số đó là sự "lên ngôi" của thương mại điện tử và đây sẽ là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Đảm bảo cung cầu hàng hóa dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp