Tiêu dùng online - xu hướng tiện lợi, an toàn và hiệu quả

(BKTO) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, xu hướng hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Phần lớn các hoạt động diễn ra trực tiếp trước đây đã được thực hiện trên môi trường online, nhất là các hoạt động mua sắm, thanh toán trực truyến trên các nền tảng thiết bị công nghệ di động.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Zebra

   

Mua sắm qua thiết bị di động tăng vọt do ảnh hưởng của Covid-19

Theo Báo cáo nghiên cứu thường niên về mua sắm toàn cầu lần thứ 13 vừa được Hãng Zebra công bố, những người ra quyết định trong ngành bán lẻ và nhân viên bán hàng đã nhận thấy nhu cầu về sự tiện lợi và tính hiệu quả tăng lên đáng kể. Đại dịch đã khiến người mua hàng quan tâm và sử dụng nhiều hơn các giải pháp đặt hàng di động và thanh toán thông minh.

Đặt hàng qua thiết bị di động (điện thoại thông minh và máy tính bảng) đã tăng mạnh và là công cụ hữu ích giúp đảm bảo giãn cách xã hội, tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương. 72% người mua hàng đã đặt hàng di động và 82% trong số đó có nhiều khả năng sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ này.

Cũng theo Zebra, những người mua hàng thuộc thế hệ hệ Gen Y (1981-1996) và Gen X (1965-1980) là những người dùng chủ yếu đặt hàng di động với tỷ lệ lần lượt là 88% và 79%. Bên cạnh đó, 47% người mua hàng thuộc thế hệ Boomers (những người sinh ra trong 2 thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ 2) cũng dùng phương thức này và 74% trong số họ có thể sẽ tiếp tục sử dụng hình thức đặt hàng này trong tương lai.

64% người mua hàng cho rằng nên có nhiều nhà bán lẻ cung cấp dịch vụ đặt hàng di động hơn nữa, trong khi đại đa số những người ra quyết định (90%) và nhân viên bán hàng (83%) đồng ý rằng đặt hàng di động sẽ giúp đáp ứng kỳ vọng của khách hàng...

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, 47% người mua hàng tham gia khảo sát cho biết đã từng tự thanh toán trong 6 tháng qua và 63% người mua hàng đồng ý rằng các giải pháp tự thanh toán đã nâng cao trải nghiệm khách hàng. Trong số đó, tỷ lệ đồng ý cao nhất thuộc về nhóm Gen Y với 73%, tiếp đến là 66% thuộc thế hệ X và 50% người mua hàng thuộc thế hệ Boomers.

Trong khi đó, 86% người ra quyết định trong ngành bán lẻ và 71% nhân viên bán hàng đồng ý với việc tự thanh toán giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Đồng thời, họ cũng tin rằng việc tự thanh toán giúp nhân viên được giải phóng thời gian và sức lực để làm các nhiệm vụ được ưu tiên hơn và phục vụ khách hàng tốt hơn, bên cạnh việc giúp đáp ứng các quy định về sức khỏe và an toàn.

Ở Việt Nam, một số nghiên cứu gần đây cũng cho thấy số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến di động đã đạt 12,7 tỷ, cao nhất từ trước đến nay và tăng 43% so với quý trước. Số liệu từ báo cáo Digital 2021 của We Are Social chỉ ra rằng, có đến 61,4% người dùng quyết định thanh toán online thông qua thiết bị di động. Các chuyên gia nhận định, “mobile first” (ưu tiên di động) vẫn đang là một trong những xu hướng được đẩy mạnh trong thời kỳ “bình thường mới”.

Đẩy nhanh đầu tư công nghệ để đáp ứng nhu cầu khách hàng

Để đáp ứng nhu cầu thay đổi này của khách hàng, các DN, nhãn hàng, nhà bán lẻ cũng đã và đang có những bước chuyển mình, ứng dụng công nghệ. Khảo sát cho thấy, hơn 80% người ra quyết định xem thanh toán thông minh, phần mềm quản lý nhân sự và phân tích dự báo là những công nghệ mới quan trọng. Ngoài ra, có tới 60% nhà bán lẻ muốn đẩy nhanh đầu tư công nghệ vì đại dịch Covid-19…

Tuy nhiên, nghiên cứu của Zebra cũng cho thấy, dù lượng đơn hàng thương mại điện tử tăng vọt, nhưng thực tế có tới 57% nhân viên bán lẻ gặp phải sức ép bởi hơn 1/5 số người mua hàng đã trả lại một mặt hàng được mua trực tuyến.

Còn với hình thức mua hàng trực tiếp, tình trạng hết hàng vẫn tiếp tục là một thách thức khi có đến hơn 40% người mua hàng cho rằng đây là lý do hàng đầu để họ ra khỏi cửa hàng mà không mua hàng. Các nguyên nhân tiếp theo là thời gian xếp hàng chờ thanh toán lâu (32%) và không tìm được hàng (31%). Cả 2 chỉ số này đều có sự gia tăng rõ rệt so với năm trước.

Bà Tracy Yeo - Giám đốc Zebra Technologies tại thị trường Việt Nam - nhận định: Trong năm 2020, các vấn đề như hết hàng, sản phẩm thiếu đa dạng, chi phí và thời gian giao hàng trực tuyến và bị trả lại hàng đã góp phần làm giảm đáng kể mức độ hài lòng khi mua sắm tại cửa hàng và trực tuyến của người mua hàng.

Các nhà bán lẻ ở Việt Nam nhận thức được rằng nâng cao trải nghiệm của người mua hàng là yếu tố quyết định thành công. Do vậy, để cung cấp trải nghiệm đa kênh liền mạch và nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng, các nhà bán lẻ Việt Nam cần phải đầu tư vào các giải pháp phân tích, đặt hàng di động, thanh toán thông minh và các công nghệ bán lẻ khác giúp nâng cao hiệu quả và độ chính xác hơn.
         
   
Nghiên cứu thường niên về mua sắm toàn cầu của Zebra theo dõi thị trường trong ngành bán lẻ, phân tích hành vi thực tế của người mua hàng, nhân viên cửa hàng và các nhà quản lý trong ngành bán lẻ, đồng thời xem xét các xu hướng và công nghệ bán lẻ có ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của người mua hàng trực tiếp tại cửa hàng cũng như trực tuyến.
   
   Những kết quả chính trong của báo cáo nghiên cứu lần thứ 13 theo từng khu vực:
   

   Châu Á - Thái Bình Dương: 70% người mua hàng muốn được giao hàng trực tiếp hơn là đến nhận tại cửa hàng. 65% người mua hàng muốn mua sắm tại các cửa hàng có tùy chọn thanh toán không tiếp xúc.
   
   Châu Âu và Trung Đông: 83% người ra quyết định cho biết đại dịch đã tạo áp lực đẩy nhanh kế hoạch triển khai các giải pháp và thiết bị di động. 76% người mua hàng thích mua sắm tại các nhà bán lẻ trực tuyến đồng thời có cửa hàng bán trực tiếp.
   
   Mỹ La-tinh: 87% người mua hàng đồng ý rằng sử dụng công nghệ giúp các nhà bán lẻ mang lại trải nghiệm an toàn, thoải mái và thuận tiện - đây là tỷ lệ cao nhất trong tất cả các khu vực. Gần 90% người mua hàng đã từng đặt hàng trên thiết bị di động và dự định tiếp tục đặt hàng theo hình thức này.
   
   Bắc Mỹ: 72% nhân viên bán hàng mong muốn thực hiện các tác vụ theo khuyến nghị để quản lý công việc hàng ngày hơn là đọc báo cáo. 77% người ra quyết định cho biết họ cảm thấy áp lực phải cải thiện hoạt động thực hiện đơn hàng và nâng cao hiệu suất để có thể đưa ra nhiều tùy chọn và nâng cao tốc độ phân giao hàng hóa.
   

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Tiêu dùng online - xu hướng tiện lợi, an toàn và hiệu quả