Bộ Công Thương luôn theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu. Ảnh minh họa: nhandan.vn |
Điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để góp phần thực hiện mục tiêu trên, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ đã và đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để phối hợp điều hành giá mặt hàng này phù hợp với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong nước. Qua đó giảm thiểu sự tác động đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế tối đa việc tồn ứ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng trong khâu lưu thông.
Đồng thời, Bộ chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị hướng xử lý các bất ổn của thị trường, đặc biệt là tình hình giao thương của một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu và điều phối giữa các địa phương khi cần.
Đảm bảo hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Ảnh minh họa: TTXVN |
Bởi một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay của Bộ Công Thương là nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân trên cả nước, nhất là đối với những địa phương đang có dịch, đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tăng cường xúc tiến thương mại, hướng tới giao dịch hiện đại
Tại thị trường trong nước, thời gian qua, nhiều hoạt động tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước đã được triển khai ở nhiều địa phương.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, nhờ sự chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương, nhiều hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số trong điều kiện giãn cách xã hội đã được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, Bộ cũng hỗ trợ được các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương. Được biết, Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 06/8/2021, giúp kết nối chuỗi cung ứng đang tạm thời gián đoạn do dịch bệnh.
Kết nối tiêu thụ nông sản là việc làm cần thiết. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời điểm này, Bộ Công Thương cũng đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”. Đồng thời hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia giao dịch trên sàn.
Cùng với đó là các hoạt động đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia…
Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn đang và sẽ vào vụ thu hoạch ở các địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín.
Dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ đạo, Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối, mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động của Tổ công tác Tiền phương không chỉ ở các tỉnh, thành phố phía Nam mà phải mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Vụ Thị trường trong nước phải xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa tương đương với các cấp độ của dịch bệnh; đồng thời nhấn mạnh, trong mọi tình huống, phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở các địa phương có dịch và đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Về hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phải có những biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cấp bách cho các địa phương đang có nông sản vào thời vụ thu hoạch. Trong đó, ưu tiên tập trung tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Về lĩnh vực thương mại điện tử, Thứ trưởng cho rằng đây là phương thức rất quan trọng và là xu thế tất yếu, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Vì vậy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần phát huy hơn nữa hiệu quả của phương thức này.
PHÚC KHANG