Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bìnhtrình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
98,3% kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.640 KNCT. Trong đó, có 62 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,4%); 2.524 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành (chiếm 95,6%); 32 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chiếm 1,2%); 22 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,8%).
Các kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.
Nội dung KNCT liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội (229 kiến nghị); Y tế (227 kiến nghị); Tài nguyên và Môi trường (210 kiến nghị); Nội vụ (198 kiến nghị); Nông nghiệp, nông thôn (194 kiến nghị); Giáo dục, đào tạo (181 kiến nghị); Giao thông, vận tải (179 kiến nghị)…
Đến nay, có 2.596/2.640 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 98,3%. Trong đó, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 62/62 kiến nghị, đạt 100%.
Đánh giá chung, Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, các KNCT đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, có nhiều giải pháp hữu hiệu để quản lý, điều hành. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống của nhân dân về cơ bản ổn định.
Về cơ bản, các Bộ, ngành, cơ quan khi nhận được KNCT đã khẩn trương xem xét, nghiên cứu giải quyết, trả lời với thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm, đúng thời gian theo quy định. Nội dung văn bản trả lời đã tập trung vào trọng tâm vấn đề cử tri kiến nghị. Trong văn bản trả lời, các Bộ, ngành cũng đã nêu rõ những khó khăn vướng mắc của Bộ, ngành mình để cử tri hiểu và các địa phương cũng thấy rõ trách nhiệm phối hợp trong việc giải quyết nên được cử tri đánh giá cao.
Nhiều KNCT được giải quyết đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân.
Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri địa phương quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Điển hình như trả lời của Bộ Công Thương về các giải pháp bình ổn giá xăng dầu, về việc dừng thực hiện dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I, nhiệt điện Quỳnh Lập II và đưa 2 dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập ra khỏi Quy hoạch điện VIII. Hay như trả lời của Bộ Nội vụ về giải pháp tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành giáo dục, về hướng dẫn vị trí việc làm, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo ngành của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, việc thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập. Hoặc trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình học trung học phổ thông; trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc giảm bớt thời lượng quảng cáo trên truyền hình hay việc kiểm duyệt các nội dung quảng cáo; trả lời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giải quyết vướng mắc trong quá trình hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân…
Giải quyết dứt điểm một số kiến nghị của cử tri
Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện cũng chỉ rõ, việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp của một số Đoàn ĐBQH còn chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Một số Bộ, ngành còn trả lời KNCT chưa đúng thời hạn nên ĐBQH chưa có thông tin để báo cáo trước cử tri khi tiếp xúc cử tri.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Một số Bộ, ngành còn chưa trả lời đúng thời hạn KNCT với số lượng lớn được Báo cáo của Ban Dân nguyện “điểm danh” như: Bộ Y tế đã trả lời 227 kiến nghị (KN) nhưng trả lời chậm thời hạn cả 227 KN; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời 167 KN (trong đó trả lời chậm so với thời hạn 141 KN), còn 14 KN chưa trả lời.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, không kịp thời nên một số KNCT chưa được giải quyết; một số văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng gây khó khăn khi triển khai thực hiện; một số KNCT chưa được giải quyết do còn có sự vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Từ thực tế trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương rà soát, khẩn trương giải quyết các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri; tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, trả lời cử tri, khắc phục những hạn chế đã nêu.
Trong đó, các Bộ, ngành Trung ương cần chú trọng giải quyết dứt điểm một số KNCT.
Cụ thể là, Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất phương án thu phí thẩm định các đồ án quy hoạch gửi Bộ Tài chính để ban hành.
Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, quy định rõ về “Khu dân cư” để các địa phương có cơ sở áp dụng thống nhất về khoảng cách an toàn giữa “Khu dân cư” và công trình điện gió; sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 4 Điều 2 Thông tư số 04/2022/TT-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, có quy định phù hợp về việc tính số ngày công khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để áp dụng thống nhất, tránh xảy ra tình trạng lợi dụng để dự toán và quyết toán kinh phí không đúng gây thất thoát ngân sách nhà nước./.