Đánh giá cụ thể kết quả, tình hình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15

(BKTO) - Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể, làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 trong thời gian tới.



                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm trađánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022;dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ảnh: quochoi.vn

   

Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, sáng 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển KTXH năm 2022. Theo cơ quan thẩm tra, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trên cơ sở bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá sâu, kỹ hơn một số vấn đề.

Trong đó, theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai song kết quả còn khiêm tốn.

Đến cuối tháng 8/2022, vẫn còn 2 trên tổng số 17 văn bản để cụ thể hóa chính sách theo yêu cầu của Nghị quyết 11/NQ-CP chưa được ban hành. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ còn một số điều kiện bất cập dẫn tới doanh nghiệp khó tiếp cận và thụ hưởng; các thủ tục hành chính còn phức tạp, các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, làm giảm hiệu quả của chính sách.

Tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn khá thấp, tính đến ngày 28/9/2022 mới đạt 20% tổng số vốn của Chương trình. Giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn triển khai chậm. Gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp (tính đến hết tháng 8/2022 mới chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ đồng/gần 16.035 tỷ đồng phân bổ cho năm 2022 trong tổng số 40 nghìn tỷ đồng gói hỗ trợ lãi suất), cần phải được báo cáo rõ nguyên nhân.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu việc mở rộng đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ lãi suất 2%. Có ý kiến cho rằng việc sử dụng 1 nghìn tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có thể không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại…

Đề nghị đánh giá cụ thể hơn kết quả, tình hình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 theo từng chính sách cụ thể, trong đó bao gồm cả việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ; mục tiêu “phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên” khó thực hiện, lãi suất không giảm mà có xu hướng tăng (lãi suất có xu hướng tăng từ đầu năm và tiếp tục được đẩy lên sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % vào ngày 23/9/2022) - Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ.

Trên cơ sở đó, đối với các hạn chế, vướng mắc, cần làm rõ hơn nguyên nhân và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới, bảo đảm phù hợp với bối cảnh của tình hình hiện nay.

“Có ý kiến cho rằng bối cảnh hiện nay đã có nhiều điểm khác so với thời điểm xây dựng và ban hành Nghị quyết số 43, điều này cho thấy Chính phủ cần xem xét điều chỉnh, hoàn thiện một số chính sách trong quá trình thực thi, bảo đảm tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn” - ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, một trong các chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu (ước tăng 4,7-5,2%, mục tiêu là 5,5%), trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2% so với kế hoạch và GDP bình quân đầu người cũng dự kiến vượt kế hoạch, cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động, từ đó làm rõ hơn bức tranh về động lực tăng trưởng giai đoạn hiện nay.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nhận định “dự báo hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc” khi dấu hiệu suy giảm xuất khẩu đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian gần đây.Đồng thời, Chính phủ cần lưu ý, sớm nghiên cứu có giải pháp với tình trạng nhập siêu dịch vụ kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa được cải thiện./.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Đánh giá cụ thể kết quả, tình hình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15