Sáng 25/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Tại phiên thảo luận, việc bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong Dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận.
KTNN cần tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm toán
Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung Điều 41a về nhiệm vụ của KTNN quy định KTNN: Thực hiện giám định tư pháp khi được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu; Công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.
Không đồng tình việc bổ sung quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phân tích, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Như vậy, nhiệm vụ chính của KTNN là thực hiện kiểm toán.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
Cũng theo đại biểu Nga, KTNN độc lập trong hoạt động của mình. Nếu phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật thì KTNN chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, KTNN lại tham gia giám định thì không đảm bảo tính độc lập, khách quan.
“Việc thực hiện giám định tư pháp hiện nay được các cơ quan Bộ, ngành, địa phương thực hiện rất tốt nên nếu giao thêm nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN sẽ chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ về giám định tư pháp với các Bộ, ngành quản lý lĩnh vực” - đại biểu Nga phát biểu.
Quan điểm trên được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình. Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông), đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng, theo Luật Giám định tư pháp hiện hành thì cơ quan quản lý nhà nước quản lý ngành, lĩnh vực nào thì thực hiện giám định tư pháp trong ngành, lĩnh vực đó. Do đó, việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp của KTNN là không cần thiết vì theo quy định của Luật hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.
Theo đại biểu Tín, thực tế hiện nay, Bộ Tài chính đã bổ nhiệm 1.712 giám định viên tư pháp và công nhận 146 người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực giám định tài chính. Mặt khác, số vụ việc giám định trong lĩnh vực tài chính được trưng cầu trong những năm vừa qua là không nhiều. Như vậy, nguồn nhân lực giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính hiện nay đã đáp ứng tốt nhu cầu nhiệm vụ đặt ra. Nếu giao cho KTNN tham gia hoạt động giám định tư pháp thì đây là nhiệm vụ mới sẽ phát sinh biên chế, kinh phí tổ chức bộ máy của KTNN. Do đó, đại biểu đề nghị không bổ sung quy định giám định tư pháp cho KTNN.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng cho rằng, nhân lực của cơ quan KTNN phải tập trung vào rất nhiều công việc, nhiệm vụ trong năm. Mặt khác, KTNN cũng đã có Văn bản số 1120 ngày 6/9/2019 đề nghị không bổ sung chức năng giám định tư pháp cho KTNN, nên việc giao thêm cho KTNN nhiệm vụ giám định là không nên và không cần thiết.
Hiến pháp và Luật KTNN không quy định chức năng giám định tư pháp của KTNN
Tán thành với các ý kiến đề nghị không bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong thực hiện giám định tư pháp, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nên rõ 8 lý do:
Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 không quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của ngành KTNN trong việc thực hiện chức năng giám định tư pháp.
Thứ hai, Luật KTNN hiện hành cũng không quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong thực hiện chức năng giám định tư pháp.
Đại biểu Trần Văn Mão phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
Thứ tư, về tổ chức hoạt động, KTNN hoạt động độc lập do Quốc hội thành lập và quy định. Mặt khác, trong đề án hoạt động của KTNN cũng không có quy định này.
Thứ năm, KTNN không phải là một thành viên của Chính phủ. Hoạt động giám định tư pháp là một hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, trong tổ chức bộ máy, nhân lực của ngành KTNN không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn về nghiệp vụ giám định tư pháp, không có đủ điều kiện để thực hiện trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn tiếp theo.
Thứ bảy, trong Chiến lược phát triển nền tư pháp đến năm 2020 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt cũng không quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn này cho KTNN.
Thứ tám, giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp nội dung này hiện nay ngành Tài chính cũng như các ngành có liên quan, các cơ quan giám định tư pháp có chức năng, nhiệm vụ về giám định tư pháp đang có đầy đủ nguồn lực và nhân lực để thực hiện nhiệm vụ này.
Đ. KHOA