Đảm bảo minh bạch, khách quan, trung thực trong chấm thi tốt nghiệp

(BKTO) - Đây là yêu cầu được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đặt ra với các địa phương, qua kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2022.



                
   

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh: moet.gov.vn

   

Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại tỉnh Hưng Yên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nguyễn Văn Phê cho biết tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 13.958 thí sinh đăng ký dự thi. Toàn tỉnh thành lập 1 Hội đồng thi gồm 31 điểm thi, 607 phòng thi. Trong quá trình coi thi, không thí sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên vi phạm quy chế.

Ngày 12/7, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2022 tỉnh Hưng Yên đã tổ chức khai mạc công tác chấm thi, phổ biến Quy chế chấm thi, đáp án, biểu điểm và chấm chung đối với môn tự luận. Ngày 13/7, tỉnh bắt đầu chấm thi trắc nghiệm.

Khu vực chấm thi tự luận và trắc nghiệm, nơi bảo quản bài thi tự luận và trắc nghiệm được chia thành hai khu biệt lập trong đó khu vực chấm thi và nơi bảo quản bài thi được bố trí gần nhau. Phòng chứa bài thi đảm bảo an toàn; bài thi được để trong hòm sắt có khoá, chắc chắn.

Các khu vực chứa bài thi, chấm thi có các thiết bị phòng, chống cháy, nổ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng, có công an bảo vệ, giám sát liên tục 24 giờ/ngày.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị, coi thi và chuẩn bị chấm thi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đề nghị Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát, quán triệt quy định, Quy chế chấm thi đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia; kịp thời động viên, khích lệ tinh thần của cán bộ tham gia công tác chấm thi.

Đồng thời, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh cần nhắc nhở giáo viên, nhân viên thực hiện chấm thi nghiêm túc, công bằng, khách quan; tuyệt đối không lơ là, chủ quan cho đến các khâu, các bước cuối cùng.

Đây cũng là lưu ý được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đưa ra, khi thực hiện kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Bắc Giang. Theo Thứ trưởng, để nâng cao tính an toàn, khách quan, cần có cơ chế giám sát, hạn chế thấp nhất những sai sót không đáng có. Ngoài ra, phải có ghi chép, biên bản, chữ ký, niêm phong để ngăn chặn cảnh báo những vi phạm. Cùng với đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để cùng nhau rút kinh nghiệm.

Nhấn mạnh yếu tố con người mới là quan trọng hàng đầu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, nếu từng người nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình thì sai sót sẽ không xảy ra.
         
Kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra trong 02 ngày 7-8/7 trên cả nước. Tổng số thí sinh dự thi là 989.863 đạt tỷ lệ 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 83,134, chiếm8,29%. Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 39,184, chiếm 31,86%; còn lại làthí sinh dự thi vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm2022. Trong 02 ngày thi ghi nhận50 trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế thi và chưa phát hiện tiêu cực có tổ chức.

Ghi nhận công tác chấm thi tại TP. Đà Nẵng đang diễn ra theo đúng kế hoạch, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý địa phương phải xác định mục đích của kỳ thi là công bằng khách quan, trung thực, vì vậy phải chấm đúng, chính xác, công bằng, trung thực; phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh. Nếu tỷ lệ phúc khảo cao sẽ phản ánh Ban chấm thi không thành công.

Bên cạnh đó, phải tăng cường chấm kiểm tra, tổ kiểm tra phải nâng cao hơn về trách nhiệm chấm kiểm tra thi; quan trọng nhất là phát hiện lỗi sai của giáo viên trong quá trình chấm bài, lý do vì sao có sự chênh lệch điểm, từ đó phát hiện những sai sót.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát quy trình chấm thi. Đây là khâu rất quan trọng trong việc chấm bài thi.

N.LỘC
Cùng chuyên mục
Đảm bảo minh bạch, khách quan, trung thực trong chấm thi tốt nghiệp