Đảm bảo tính khả thi của các cơ chế, chính sách đặc thù

(BKTO) - Các đại biểu Quốc hội nhất trí cần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo tiền đề cho sự phát triển của TP. Đà Nẵng và thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện để bảo đảm tính khả thi của các chính sách.

202405311525387308_dsc_7323.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và TP. Đà Nẵng. Ảnh: VPQH

Tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trước đó, tại phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của hai nội dung này.

Trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nội dung của chính sách trong Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; điều chỉnh, bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể. Trong đó, Chính phủ đề xuất 5 chính sách mới theo thực tế của thành phố.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, về quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết và phạm vi chính sách, Nghị quyết cần tập trung tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật; góp phần khơi thông nguồn lực; bảo đảm tính minh bạch, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước; bảo đảm tính đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW, song cũng cần khả thi, phù hợp với thực tiễn; phải thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng.

202405310923088143_dsc_6976.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày các Tờ trình Dự thảo Nghị quyết. Ảnh: VPQH

Đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 4 nhóm lĩnh vực với 14 chính sách, gồm: quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (4 chính sách); quản lý đầu tư (6 chính sách); quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).

Bên cạnh các chính sách tương tự đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác, Chính phủ đề xuất 4 chính sách mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với dự thảo Nghị quyết là cần thiết, có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Dự thảo Nghị quyết cần bám sát hơn nữa Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị, Chính phủ cần làm rõ hơn trong Tờ trình, báo cáo đánh giá tác động để làm nổi bật các chính sách trọng tâm, trọng điểm có thể phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Nghệ An; các chính sách cần góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra.

“Qua giám sát thực tiễn tại tỉnh Nghệ An cho thấy, quá trình tổ chức thực hiện các chính sách còn có những vướng mắc phát sinh. Vì vậy, đề nghị báo cáo rõ hơn, với phạm vi chính sách như Dự thảo Nghị quyết đã đủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật đang cản trở tiến trình phát triển của Nghệ An hay chưa? Đồng thời đề nghị nghiên cứu, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, bảo đảm chính sách khi được ban hành có thể đi vào cuộc sống; rà soát để cùng với việc thí điểm cơ chế đặc thù mới cần đề xuất sửa đổi những quy định đang triển khai mà có vướng mắc” - ông Lê Quang Mạnh nói.

Quy định chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể

Thảo luận tại Tổ về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và TP. Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, hiện nay có 10 tỉnh, thành phố trong cả nước được thí điểm cơ chế đặc thù. Vì vậy, cần xem xét, đánh giá các chính sách đặc thù để xem xét, thực hiện việc thí điểm cho phù hợp.

e6a91acf942a34746d3b.jpg
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển phát biểu thảo luận tại Tổ chiều 31/5. Ảnh: Đ. KHOA

Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn TP. Hà Nội) cũng đề nghị bổ sung đánh giá thực tiễn của các địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù thời gian qua, trong đó có nội dung triển khai chính sách khai thác, phát triển quỹ đất đô thị tại để dự báo những vấn đề phát sinh, là cơ sở bổ sung quy định tại Dự thảo Nghị quyết. Đối với đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở đề xuất, bổ sung nội dung quản lý nhà nước về Khu thương mại tự do.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), chính sách vượt trội cần phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương. Theo đại biểu, đối với cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, cần nghiên cứu có quy định thêm về các tiêu chí đối với đô thị thông minh. Đối với cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, cần quan tâm chú trọng tới phát triển kinh tế biển, hạ tầng giao thông ven biển, đặc thù về kinh tế số…

Góp ý hoàn thiện Dự thảo nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn Hòa Bình) bày tỏ băn khoăn khi các chính sách trong Dự thảo Nghị quyết được đề xuất khá rộng, đưa ra nhiều chính sách nhưng lại không có hướng dẫn triển khai thực hiện thì tính khả thi như thế nào?

Theo đại biểu, thực tiễn thực hiện thời gian vừa qua, nhiều cơ chế chính sách đưa ra gần như không thực hiện được. Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát lại các chính sách đưa ra trong Nghị quyết để bảo đảm tính khả thi, tránh trường hợp “cứ đưa vào Nghị quyết rồi đề nghị rút kinh nghiệm”.

"Đơn cử như tại Nghị quyết có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược, trong đó có một số chính sách đưa vào thực hiện sẽ rất khó triển khai, do Nghị quyết không yêu cầu việc hướng dẫn, một số địa phương có chính sách này thời gian qua cũng ko thực hiện được" - đại biểu Hà dấn chứng và đề nghị nếu trong Nghị quyết quy định nội dung này thì trong tổ chức thực hiện Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể.

202405311525386995_dsc_7232.jpg
Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận tổ. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cũng lưu ý, theo Dự thảo Nghị quyết, việc áp dụng một số chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật. Nhưng hiện nay chúng ta đang áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có quy định là các doanh nghiệp đa quốc gia mà có tổng doanh thu trên 750 triệu EURO và 800 EURO thì phải áp dụng theo Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này để tránh khiếu kiện.

Đối với Dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) tán thành về sự cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy đối với thành phố Vinh - trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Nghệ An.

Theo Tờ trình của Chính phủ thì một trong những lý do chính để có cơ chế đặc thù cho thành phố Vinh là do mở rộng địa giới đơn vị hành chính để vừa thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính của Đảng, Chính phủ, vừa tạo động lực, mở rộng không gian phát triển của thành phố này. Với việc dự kiến nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và 04 xã của huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh thì quy mô, phạm vi quản lý của thành phố Vinh sẽ tăng lên gần gấp rưỡi so với hiện nay và quy mô dân số tăng hơn 100 nghìn người.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung những lý giải thuyết phục hơn nữa về vai trò, chức năng của thành phố Vinh đối với tỉnh Nghệ An nói riêng và đặt trong mối quan hệ liên kết, phát triển vùng nói chung để làm cơ sở đầy đủ hơn cho những đề xuất này; làm rõ những nội dung mà chính quyền tỉnh Nghệ An phân quyền, phân cấp thêm cho chính quyền thành phố Vinh…

Cùng chuyên mục
Đảm bảo tính khả thi của các cơ chế, chính sách đặc thù