Trước hết, việc này giúp duy trì và củng cố sự ổn định chính trị, đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suốt và nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Sự ổn định chính trị và sự nhất quán trong chỉ đạo, điều hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn.
Thứ hai, việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Việt Nam không chỉ đơn thuần là một sự thay đổi về nhân sự, mà còn là một bước đi chiến lược nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện của đất nước.
Trong bối cảnh nhiệm kỳ còn lại không nhiều, chỉ khoảng hơn một năm rưỡi, các lãnh đạo mới cần góp phần xác định rõ ràng hơn các ưu tiên và tập trung vào những công việc cụ thể để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng và chuẩn bị tốt cho nhiệm kỳ tiếp theo. Dưới đây phải chăng là một số ưu tiên quan trọng nhất trong phát triển kinh tế của đất nước?
Thứ nhất là duy trì và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh hiện nay, kiểm soát lạm phát hiệu quả, duy trì sự ổn định của giá cả và bảo vệ sức mua của người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thời gian vừa qua, việc kiểm soát lạm phát đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng chúng ta vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Trong tháng 02/2024, tỷ lệ lạm phát tăng lên 4%, đây là mức cao nhất kể từ tháng 02/2023.
Sự gia tăng này chủ yếu do áp lực giá đối với thực phẩm và vận tải, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán và khi nhu cầu du lịch và tiêu dùng tăng cao. Mặc dù, lạm phát trung bình hằng năm thường chỉ duy trì ở mức 3,1% vào tháng 02.
Trong tháng 5/2024, giá vàng đã tăng mạnh và đạt mức cao kỷ lục. Vào ngày 10/5, giá vàng SJC đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 90,1 triệu VND mỗi lượng. Đến giữa tháng 5, giá vàng vẫn duy trì ở mức cao. Giá vàng tăng cao có thể làm tăng chi phí sản xuất và lạm phát, đồng thời giảm đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế khác khi nhà đầu tư chuyển sang vàng như một tài sản an toàn. Điều này còn có thể dẫn đến suy giảm tiêu dùng và suy giảm phát triển kinh tế nói chung.
Tỷ giá VND/USD trong những tháng đầu năm 2024 cũng đã biến động khá mạnh. Vào tháng 01/2024, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng 1,4% so với cuối năm 2023, đạt mức 24,611 VND/USD, mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2022. Đến giữa tháng 5, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng, với mức giao dịch khoảng 25,46 VND/USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng này phần lớn do sự chênh lệch lãi suất lớn giữa đồng USD và VND, cùng với những biến động của đồng USD trên thị trường quốc tế. Tỷ giá VND/USD tăng có thể làm tăng chi phí nhập khẩu, dẫn đến lạm phát và giảm sức mua của người tiêu dùng.
Thứ hai là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cần tiếp tục hỗ trợ các ngành kinh tế chủ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Tăng trưởng GDP trong quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất kể từ năm 2020, chủ yếu nhờ vào sự phát triển của các ngành sản xuất và dịch vụ.
Mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm 2024, một loạt vấn đề đang nổi lên cần được quan tâm giải quyết. Đó là áp lực lạm phát gia tăng, như đã nói ở trên, là sự phụ thuộc vào xuất khẩu trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, là sự không đồng đều trong tăng trưởng giữa các ngành. Tỷ giá hối đoái VND/USD tăng mạnh cũng gây áp lực lên chi phí nhập khẩu và lạm phát, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Ngoài ra, cải cách hành chính và nâng cao năng suất lao động vẫn là thách thức lớn cần giải quyết để duy trì đà phát triển bền vững.
Thứ ba là thúc đẩy sự quyết đáp của cán bộ, công chức. Trong mô hình thể chế của nước ta, khi mọi dự án đầu tư đều phải được phê duyệt về quy hoạch, về giá đất, về môi trường, về phòng cháy, chữa cháy…, thì sự quyết đoán của cán bộ, công chức có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nếu đội ngũ cán bộ, công chức đùn đẩy công việc và né tránh trách nhiệm, thì nền kinh tế sẽ trở nên trì trệ ngay lập tức.
Khi cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm, công việc không được thực hiện đúng hạn hoặc bị trì hoãn. Điều này làm giảm hiệu suất công việc, khiến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí nguồn lực và thời gian. Hiệu quả của bộ máy hành chính vì thế cũng bị giảm sút nghiêm trọng.
Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế là thực hiện các chính sách cải cách. Nếu cán bộ, công chức không chịu trách nhiệm và đùn đẩy công việc, các chính sách này sẽ không được triển khai một cách hiệu quả, làm cản trở sự đổi mới và phát triển kinh tế. Các dự án, chương trình phát triển kinh tế bị đình trệ hoặc không được thực hiện đúng cách, gây ra sự lãng phí và mất cơ hội phát triển.
Việc né tránh trách nhiệm dẫn đến sự lãng phí nguồn lực tài chính và nhân lực. Khi công việc không được giải quyết kịp thời, Nhà nước phải tốn thêm chi phí để khắc phục hậu quả, sửa chữa sai lầm hoặc tái triển khai các dự án. Điều này làm tăng chi phí quản lý nhà nước và lãng phí nguồn lực của xã hội.
Khi cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm, người dân và doanh nghiệp mất lòng tin vào bộ máy Nhà nước. Sự mất lòng tin này có thể dẫn đến việc người dân và doanh nghiệp không muốn đầu tư hoặc hợp tác với Nhà nước, gây ra sự chậm phát triển kinh tế.
Trách nhiệm của cán bộ, công chức là cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân và doanh nghiệp. Khi trách nhiệm bị né tránh, chất lượng dịch vụ công bị suy giảm, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, từ đó gây ra sự trì trệ kinh tế.
Để thúc đẩy sự quyết đáp của cán bộ, công chức, bên cạnh việc đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và kỷ luật hành chính, quan trọng không kém là bảo đảm an toàn pháp lý cho họ. Đây cũng là công việc mà các nhà lãnh đạo mới cần quan tâm giải quyết.
Cuối cùng, kiện toàn là để phát triển. Với sự xác định các ưu tiên rõ ràng và vận hành thể chế hiệu quả, nền kinh tế của đất nước ta chắc chắn sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn./.