Đảm bảo tính khả thi, tránh nguy cơ thất thoát, lãng phí trong đầu tư cho văn hóa

(BKTO) - Tên cơ sở Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình MTQG về văn hóa), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ Chương trình, đặc biệt là tính khả thi đối với một số mục tiêu và việc quản lý, sử dụng vốn, tránh nguy cơ lãng phí trong triển khai thực hiện.

011120241138-1101vh-26-.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị cần rà soát, đảm bảo tính khả thi của Chương trình. Ảnh ST

Còn băn khoăn về tính khả thi của một số mục tiêu

Trình bày trước Quốc hội ngày 01/11 về Tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.

Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.

Chương trình cũng tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…

“Cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình sẽ là hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và toàn xã hội, trong đó chủ thể là nhân dân, lực lượng văn nghệ sỹ, trí thức, người thực hành văn hóa tại các cộng đồng địa phương” - Bộ trưởng cho biết.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2030 là phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện). 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo; Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước… 

Nhất trí với mục tiêu của Chương trình song Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị cần xem xét tính khả thi của 2 mục tiêu cụ thể đến năm 2030.

Cụ thể là Mục tiêu số 5 (Phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4) và Mục tiêu số 6 (100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa).

“Đề nghị Chính phủ tiếp tục cân nhắc về khả năng đạt được các mục tiêu này” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu.

Nêu ý kiến về Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) bày tỏ đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Bởi theo đại biểu, việc chuyển đổi số chưa diễn ra đồng đều giữa các loại hình của lĩnh vực văn hóa, các địa phương.

Bên cạnh đó ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, nhiều học sinh đang phải học ở các điểm trường, nên việc đặt ra mục tiêu số 6 (đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa) là khó khả thi.

Ngoài các mục tiêu này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị cân nhắc thêm mục tiêu số 9 (đến năm 2030, có ít nhất 05 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam và đến năm 2035 có ít nhất 05-06 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam) và mục tiêu số 3 (đến năm 2030, phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo) để tạo thuận lợi cho công tác theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện Chương trình.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có.

Rà soát kỹ lưỡng, đảm hiệu quả trong huy động, sử dụng vốn

Liên quan đến việc bố trí nguồn vốn cho Chương trình, một số ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn, do đó, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách, tránh lãng phí.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) lưu ý, việc triển khai Chương trình cần quan tâm, ưu tiên trong việc phân bổ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đối với các tỉnh nghèo, có nhiều khó khăn về thiết chế văn hóa, cần có sự hỗ trợ của Trung ương.

Bên cạnh đó, cần kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chung việc thực hiện Chương trình, đảm bảo thống nhất, tránh nguy cơ lãng phí khi chương trình chậm được triển khai. 

Liên quan đến nguồn vốn ngân sách cho Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ cần quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và mức đối ứng của ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, nguồn lực của từng địa phương, xem xét ưu tiên các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3-1-.jpg
Đảm bảo hiệu quả đầu tư để thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Ảnh: N.Lộc

Đồng thời, Chính phủ cân nhắc, điều chỉnh mức phân bổ kinh phí theo hướng tập trung nhiều hơn cho giai đoạn 2028-2030 để phù hợp với thực tiễn công tác chuẩn bị, triển khai các hoạt động và khả năng giải ngân vốn thực hiện Chương trình; rà soát, đánh giá khả năng giải ngân vốn thực hiện Chương trình năm 2025.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp rà soát để xác định nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi” - ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết.

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn Trà Vinh) đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục hạn chế, kịp thời uốn nắn, nhắc nhở những hạn chế thiếu sót trong triển khai Chương trình.

Đồng thời, nhân rộng cách làm hay hiệu quả các địa phương, từ đó góp phần đảm bảo việc bố trí nguồn lực của chương trình đáp ứng mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đã đề ra.

Các đại biểu cũng cho rằng, ngành văn hóa cần xem xét rút kinh nghiệm từ các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được triển khai trước đó để tránh mắc phải thiếu sót, cũng như tránh nguy cơ lãng phí nguồn lực được đầu tư cho Chương trình. 

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, gồm: Vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho giai đoạn 2025-2030, với mức tối thiểu 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%). Vốn ngân sách địa phương: khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%). Vốn huy động hợp pháp khác: khoảng 15.000 tỷ đồng.

Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
  • 10 tháng năm 2024, Nam Định giải quyết và tạo việc làm mới cho 26.250 lao động
    23 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định, trong 10 tháng năm 2024, Nam Định đã giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho khoảng 26.250 lao động, đạt 78,83% kế hoạch năm 2024. Trong đó, đưa lao động đi làm việc có thời hạn, thời vụ ở nước ngoài theo hợp đồng là 3.200 người, đạt 228,57% kế hoạch năm.
  • Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Nâng cấp cấp độ ở tất cả các khâu chuẩn bị
    23 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 31/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
  • Lý giải thực hư chuyện môi giới “thổi giá” bất động sản
    23 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao thông tin liên quan đến việc cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản (BĐS) có hành vi cấu kết “đẩy giá”, gây nhiễu loạn thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành, cần phân biệt cụ thể, tránh nhầm lẫn, đánh đồng “môi giới BĐS” với đối tượng “đầu cơ”.
  • Cần chế tài mạnh để công đoàn bảo vệ quyền lợi của người lao động
    23 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề xuất, Dự thảo Luật cần quy định theo hướng giao cho công đoàn đương nhiên được quyền khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và đoàn viên bị xâm hại. Điều này nhằm đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo chế tài cho tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
  • Bình Định đề xuất thí điểm mô hình taxi bay phục vụ du lịch
    24 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định vừa có Công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để UBND tỉnh xây dựng Đề án thí điểm taxi bay hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo tính khả thi, tránh nguy cơ thất thoát, lãng phí trong đầu tư cho văn hóa