Sáng 10/5, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của KTNN” do Ths. Trần Thị Thùy Dung và Ths. Lê Khánh Tùng (Vụ Pháp chế) đồng chủ nhiệm.
TS. Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự cuộc họp có các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu và Ban đề tài.
Theo Ban đề tài, từ năm 2018 đến nay, Vụ Pháp chế đã tham mưu giúp Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện cập nhật, pháp điển đối với 31 văn bản quy phạm pháp luật. Bước đầu, đề mục pháp điển KTNN thuộc Bộ pháp điển do Vụ Pháp chế tham mưu, xây dựng đã được thông qua theo quy định và được xã hội ghi nhận, khai thác sử dụng.
KTNN đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật KTNN nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ các quy định về tổ chức và hoạt động của ngành trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, điều này đã được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, trong đó xác định trụ cột pháp lý là một trong ba trụ cột chính của ngành. Tuy nhiên, cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động, khối lượng các văn bản pháp luật mới, văn bản sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực KTNN ngày càng tăng.
Do đó, việc rà soát, pháp điển các văn bản pháp luật thuộc đề mục KTNN là rất cần thiết để kịp thời phát hiện những bất hợp lý, chồng chéo, thiếu nhất quán giữa các văn bản, giúp hệ thống văn bản của KTNN ngày càng trở nên hoàn thiện theo hướng rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, giúp cho việc tìm kiếm, tra cứu pháp luật của kiểm toán viên và các tổ chức, cá nhân khác đối với hệ thống văn bản của KTNN được dễ dàng, thuận tiện.
Đề tài được kết cấu thành 03 chương: Chương 1 - Một số vấn đề lý luận về pháp điển và công tác pháp điển; Chương 2 - Thực trạng hoạt động pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của KTNN; Chương 3 - Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của KTNN.
Từ kết quả nghiên cứu, Ban đề tài đã đánh giá thực trạng những kết quả đạt được, ưu điểm, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của công tác pháp điển của KTNN; ứng dụng kết quả của công tác pháp điển vào tổ chức hoạt động kiểm toán; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của KTNN.
Tại cuộc họp, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban đề tài, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN theo quy định của Hiến pháp. Đề tài đã nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận về pháp điển và công tác pháp điển, như: khái niệm về pháp điển và công tác pháp điển, bản chất của pháp điển; vai trò và ý nghĩa của công tác pháp điển; yêu cầu, nguyên tắc pháp điển và các nhân tố tác động đến công tác pháp điển; các hình thức pháp điển và quy trình tổ chức thực hiện; kinh nghiệm thực hiện công tác pháp điển tại một số Bộ, ngành tại Việt Nam hiện nay.
Đề tài đã phân tích, đánh giá về công tác pháp điển do KTNN thực hiện; thực trạng tổ chức thực hiện công tác pháp điển của KTNN và thực trạng vận dụng kết quả công tác pháp điển vào tổ chức hoạt động của KTNN. Đây là cơ sở thực tiễn để Ban đề tài đề xuất phương hướng và giải pháp hoàn thiện công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật tại KTNN, bao gồm: 02 định hướng, 04 nhóm giải pháp; 03 điều kiện để thực hiện về phía KTNN, đơn vị chủ trì thực hiện là Vụ Pháp chế và các đơn vị trực thuộc KTNN.
Đặc biệt, Hội đồng nghiệm thu đồng tình và đánh giá cao giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác pháp điển của KTNN thông qua việc Ban đề tài đề xuất xây dựng và mô tả chi tiết phần mềm hỗ trợ pháp điển, rà soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của KTNN.
Để đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu khuyến nghị Ban đề tài bổ sung lý luận về chất lượng công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (khái niệm, tiêu chí đánh giá…); công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của KTNN; mô hình, trình tự xây dựng pháp điển…
Cùng với đó, rà soát các nội dung liên quan đến quy định về công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật KTNN; quá trình thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của KTNN theo 02 giai đoạn; việc sử dụng pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Ban đề tài bổ sung giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác pháp điển; diễn giải rõ hơn các khuyến nghị về điều kiện thực hiện liên quan đến kết quả nghiên cứu.
Hội đồng nghiệm thu thống nhất Đề tài xếp loại Khá./.