Các kết luận, kiến nghị kiểm toán giúp Hà Nội nâng cao tính hiệu quả và minh bạch trong sử dụng nguồn lực

THÙY LÊ (thực hiện) | 09/05/2024 05:21

(BKTO) - Những đánh giá, kết luận của Kiểm toán nhà nước (KTNN) không chỉ khẳng định được tính hiệu quả những việc Hà Nội đã làm, mà quan trọng hơn là Thành phố có thể rút kinh nghiệm, phát huy tốt các thế mạnh để tiếp tục nhân rộng và chủ động đề xuất với Trung ương triển khai nhiều dự án lớn, cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội Hà Minh Hải nhận định.

7-pho-chu-tich-ubnd-thanh-pho-ha-noi-ha-minh-hai-anh-nguyen-ly.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải. Ảnh: NGUYỄN LY

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò và những đóng góp của KTNN đối với quá trình phát triển của TP. Hà Nội trong thời gian qua?

KTNN có vị trí, vai trò rất quan trọng, là một thiết chế độc lập do Quốc hội thành lập, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát về tài chính, tài sản công, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đặc biệt, khi triển khai kiểm toán, KTNN là công cụ đắc lực hỗ trợ việc thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, đảm bảo các quy định pháp luật đáp ứng thực tiễn khách quan.

Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, KTNN đã đồng hành, hỗ trợ rất nhiều cho TP. Hà Nội về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quản lý tài chính, ngân sách nói riêng, giúp cho Thành phố hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Trung ương giao và Thành phố đặt ra. Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội năm sau luôn cao hơn năm trước và cao hơn bình quân toàn quốc và thu ngân sách nội địa từ sản xuất kinh doanh đứng đầu cả nước. Với sự hỗ trợ của KTNN, hoạt động quản lý tài chính, ngân sách của Hà Nội rất nghiêm túc, hiệu quả, đời sống của nhân dân được nâng cao.

Phòng ngừa là yêu cầu quan trọng trong công tác quản lý nhà nước. Do đó, nếu chúng ta có những thông tin minh bạch, được số hóa và công khai thì khả năng phòng ngừa sẽ càng cao. Với chức năng, vị trí của mình, KTNN có vai trò quan trọng trong việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khi toàn bộ thông tin về tài chính, kiểm toán được công khai, minh bạch thì việc phòng ngừa và xử lý vi phạm sẽ hiệu quả, từ đó hỗ trợ các bên cùng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Hà Nội là địa phương lớn thứ hai của cả nước và đã được KTNN triển khai thực hiện kiểm toán hằng năm, trong đó có rất nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề. Ngoài ra, KTNN cũng thực hiện kiểm toán theo đơn đặt hàng của Thành phố với những nội dung, chương trình, dự án lớn, phức tạp. Thông qua những đánh giá, nhận xét, kết luận, kiến nghị, KTNN đã giúp cho Hà Nội nhận diện ra những vấn đề sai sót, chưa phù hợp; đồng thời cung cấp thông tin tin cậy, chính xác và có tính pháp lý cao để Thành phố quyết định những vấn đề chủ trương, chính sách lớn trên địa bàn, chấn chỉnh những hoạt động còn chưa đúng.

Bên cạnh đó, KTNN cũng giúp Hà Nội rà soát và kiến nghị với Trung ương nhiều chính sách nói chung, cũng như những cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội. Cụ thể như, KTNN phối hợp cùng Hà Nội tham gia ý kiến với Quốc hội ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 về việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội; Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội; kiến nghị với Thành phố về Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi… Với những kiến nghị về cơ chế đặc thù như vậy, KTNN đã giúp Hà Nội triển khai và thực hiện tốt định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Đến thời điểm này, các cơ chế, chính sách mà Hà Nội ban hành đã đi vào cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội ổn định.

Như ông vừa chia sẻ, KTNN đã triển khai các cuộc kiểm toán theo đơn đặt hàng của TP. Hà Nội. Xin ông thông tin cụ thể hơn về những cuộc kiểm toán này?

Liên quan đến đặt hàng kiểm toán, Thành phố đã đề xuất KTNN phối hợp triển khai các nội dung mang tính chuyên sâu, dự án lớn. Cụ thể như, chúng tôi đề xuất KTNN kiểm toán Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Kiểm toán Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành Nhà máy nước mặt Sông Đuống; Kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hà Nội… Qua đó, KTNN đã chỉ ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong thực hiện dự án mới và lớn do Thành phố chủ trì thực hiện. Những đánh giá, kết luận của KTNN không chỉ khẳng định được tính hiệu quả những việc Thành phố đã làm, mà quan trọng hơn Hà Nội có thể rút kinh nghiệm, phát huy tốt hơn các thế mạnh để tiếp tục nhân rộng và chủ động đề xuất với Trung ương triển khai nhiều dự án lớn, cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Thưa ông, KTNN và TP. Hà Nội đã ký quy chế phối hợp công tác từ năm 2012 và luôn thực hiện rất hiệu quả các nội dung hợp tác. Trong thời gian tới, ông có đề xuất, kiến nghị gì với KTNN để nâng tầm mối quan hệ hợp tác cũng như nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN?

Trước hết, phải khẳng định rằng, KTNN và TP. Hà Nội luôn phối hợp rất chặt chẽ với nhau và Thành phố đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của KTNN. Thời gian tới, từ góc nhìn và tình hình thực tế của Hà Nội, chúng tôi mong rằng KTNN sẽ tiếp tục quan tâm đưa Hà Nội vào danh sách thực hiện kiểm toán hằng năm. Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu của cả nước về các hoạt động tài chính, ngân sách, vì vậy rất cần có sự hỗ trợ kịp thời và góp ý thường xuyên của KTNN.

Thứ hai, KTNN tiếp tục quan tâm và triển khai kiểm toán các chuyên đề chuyên sâu, từ đó trao đổi, chỉ ra những vấn đề cần sửa đổi để Hà Nội triển khai tốt hơn các nhiệm vụ khó và lớn, những nội dung mới được Trung ương giao.

Thứ ba, Thành phố đang trình Trung ương xem xét, thông qua các nội dung quan trọng, gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Trong đó, có rất nhiều nội dung về thể chế đặc thù vượt trội, đặc biệt là cơ chế phân cấp, phân quyền cho Hà Nội để triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Do đó, nhiệm vụ trong năm 2024 và các năm tiếp theo của Hà Nội rất nhiều và chúng tôi sẽ phải xây dựng, củng cố đội ngũ tham mưu về chính sách, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ lớn và khó. Thành phố mong KTNN với kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp và uy tín cao sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Hà Nội triển khai các việc lớn.

Thứ tư, hiện nay, Chính phủ, các ngành, các cấp đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Đây là nội dung rất quan trọng, mang tính đột phá và tác động lớn đến việc phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan nhà nước. Chúng tôi đề nghị KTNN hỗ trợ Hà Nội thực hiện thành công chuyển đổi số thông qua các công việc cung cấp và chia sẻ thông tin.

Thành phố cũng sẽ tăng cường số hóa và cung cấp thông tin kịp thời để KTNN có thể chủ động trong việc phòng ngừa, hướng tới cung cấp dữ liệu theo thời gian thực để KTNN phân tích, đánh giá, có những cảnh báo từ sớm giúp Hà Nội điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, các kết luận, kiến nghị kiểm toán cũng cần được chia sẻ trên một hệ thống dùng chung, và những kiến nghị đã được Hà Nội thực hiện sẽ được công khai, minh bạch, cập nhật kịp thời để KTNN theo dõi, hạn chế thời gian KTNN phải đi kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Hà Nội rất quyết tâm và mong muốn KTNN đồng hành, hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi số thành công.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Các kết luận, kiến nghị kiểm toán giúp Hà Nội nâng cao tính hiệu quả và minh bạch trong sử dụng nguồn lực