Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (người đứng) trả lời tại Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG |
Thị trường điều chỉnh do nhiều nguyên nhân
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, hiện nay, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế đang tiếp tục được ổn định và đó là cơ sở để nền kinh tế, các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh ổn định, phát triển và tăng trưởng. Đây cũng là cơ sở quan trọng nhất để ổn định TTCK.
Nhưng thực tế diễn biến trên TTCK Việt Nam vừa qua có hiện tượng điều chỉnh giảm và có những phiên giảm sâu. Tất nhiên cũng có những phiên tăng điểm. Hiện nay, VN-Index đang dao động ở mức 1.000 điểm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, những điều chỉnh thời gian qua trên TTCK xuất phát từ nhiều nguyên nhân:
Đối với quốc tế, trước hết, kinh tế ở những khu vực lớn như Mỹ, EU… thay đổi rất mạnh mẽ sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19. Lạm phát ở những nền kinh tế này ở mức rất cao. Từ đó, các chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa của những nền kinh tế này có sự thay đổi rất mạnh mẽ, tác động đến kinh tế của các khu vực này.
“Tăng trưởng có thể nói rất thấp và các tổ chức tài chính quốc tế dự báo các mức tăng trưởng đều hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế này trong năm 2022 so với những dự kiến từ nhiều năm” - Lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin.
Thứ hai, cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và cho đến thời điểm này, không ai có thể dự báo lạc quan được về thời điểm kết thúc cuộc xung đột.
“Đây là cuộc xung đột khu vực nhưng ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng đến cung năng lượng và xăng dầu - một mặt hàng chiến lược cho bất kỳ nền kinh tế nào, trong đó có Việt Nam. Điều này tác động từ sản xuất đến kinh doanh, giá cả, lạm phát… và cũng tác động đến TTCK” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Thứ ba, TTCK khu vực và thế giới cũng có sự biến động rất mạnh. Mỹ, châu Âu, thị trường Nhật Bản rồi thị trường khu vực cũng có những điều chỉnh rất mạnh, giảm rất sâu, cũng tác động và liên thông đến TTCK của Việt Nam.
Đối với trong nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, những điều chỉnh trong chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ cũng tác động đến TTCK, từ việc tăng lãi suất hay quản lý chặt chẽ room tín dụng ảnh hưởng đến dòng tiền và dòng tiền vào chứng khoán giảm đi qua thời gian từ đầu năm đến nay.
Tiền lại được hướng đến các tổ chức tín dụng thông qua ngân hàng với lãi suất điều chỉnh tăng cũng như tiền được đưa vào sản xuất, kinh doanh sau khi chúng ta hồi phục kinh tế, hồi phục chuỗi cung ứng. Sau đại dịch Covid-19, dòng tiền vào TTCK bị ảnh hưởng giảm bớt.
“Chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự phát triển ổn định và bền vững của TTCK Việt Nam trên cơ sở cái gốc là ổn định kinh tế vĩ mô hiện vẫn đang được kiểm soát tốt. Đó là nền tảng tốt để ổn định hoạt động kinh doanh, kinh tế nói chung và ổn định TTCK nói riêng” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi tin tưởng.
Tăng cường thông tin chính thống từ cơ quan quản lý ra thị trường
Trước tình hình hiện tại, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh một số giải pháp về cả ngắn hạn và dài hạn mà Bộ sẽ thực hiện để tiếp tục duy trì sự ổn định của thị trường.
Về ngắn hạn, trước mắt, Bộ Tài chính tiếp tục đảm bảo vận hành ổn định và an toàn TTCK trong mọi tình huống.
Thứ hai, tăng cường minh bạch trong việc yêu cầu các công ty tham gia thị trường tuân thủ quy định về công bố thông tin, xử lý nghiêm vi phạm.
Thứ ba, tổ chức nhiều đoàn thanh tra, giám sát các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư để kịp thời phát hiện các vi phạm trên thị trường.
“Tất cả các vi phạm đều bị xử lý ngay và công bố công khai. Phải kiên quyết như vậy thì chúng ta mới đảm bảo được tính minh bạch của thị trường” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Thứ tư, tăng cường thông tin chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước ra thị trường một cách chính xác và kịp thời để đảm bảo thông tin xấu độc không gây ảnh hưởng tới thị trường.
“Điều quan trọng là giám sát được các tin đồn thất thiệt. Tất cả trường hợp này đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông cùng Bộ Công an phối hợp xử lý nghiêm. Như vừa rồi đã có các trường hợp bị truy tố và chịu án tù” - Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Thứ năm, tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, trước mắt là Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để kịp thời xử lý các bất cập.
Về lâu dài, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát và xem xét điều chỉnh các nội dung bất cập của Luật Chứng khoán. Cùng với đó, tiếp tục tái cấu trúc TTCK; đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực của cả nhà đầu tư, cơ quan quản lý và lực lượng thanh kiểm tra giám sát thị trường, cùng nhiều giải pháp khác.
Cần khoảng 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở
Cũng tại Họp báo, liên quan đến câu hỏi về việc chuẩn bị nguồn lực để tăng lương cơ sở trong năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay từ khi triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương sắp xếp, bố trí nguồn lực tài chính để chuẩn bị cho việc thực hiện cải cách tiền lương, bao gồm cả tăng lương cơ sở.
Các giải pháp để có nguồn lực tài chính chủ yếu từ tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi ngân sách hàng năm. Từ khi triển khai nhiệm vụ này, theo thông tin của Bộ Tài chính, nguồn từ ngân sách địa phương là trên 290.000 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương là 43.000 tỷ đồng.
Đến nay, căn cứ tình hình thực tế tài chính ngân sách và yêu cầu cấp thiết về tăng lương cơ sở, Chính phủ đã trình Quốc hội về việc tăng lương cơ sở 20,8% từ 01/7/2023.
“Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu chi phí phát sinh cho chính sách này, gồm lương hưu, chi cho đối tượng do ngân sách đảm bảo, người có công, phụ cấp ưu đãi nghề… khoảng 60.000 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta hoàn toàn chủ động nguồn lực tài chính cho tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định./.
HỒNG NHUNG