Dân chủ, chặt chẽ, công khai trong công tác cán bộ

(BKTO) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng, những điểm mới trong Quy định số 80-QĐ/TW (Quy định 80) về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử sẽ góp phần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, dân chủ trong công tác cán bộ; đánh giá cán bộ khách quan, công tâm; lựa chọn và bố trí đúng cán bộ…



Quy định phù hợp với tình hình thực tiễn

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 80 thay thế Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 (Quy định 105) về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. So với Quy định 105, Quy định 80 có thêm nhiều điểm mới, rõ ràng, chi tiết về công tác cán bộ được dư luận đánh giá cao, như bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị, đó là “Ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các Ủy viên Trung ương, gồm cả dự khuyết)”. Bên cạnh đó, nếu Quy định 105 chỉ nêu nhiệm vụ của Bộ Chính trị là “Trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành Trung ương” thì quy định mới mở rộng hơn: “Trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ…”.

Đáng chú ý, Quy định 80 đã tăng thêm hai điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn so với trước đây, đó là: Cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên; có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thực tế cho thấy, việc tăng thêm hai điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử là phù hợp với tình hình thực tiễn. Bởi, phải có thời gian để tổ chức, tập thể đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, chuẩn xác về sự phấn đấu của cán bộ. Mặt khác, khi bổ nhiệm cán bộ vào một vị trí công tác, cần phải có đủ thời gian để cán bộ thể hiện năng lực cá nhân, có độ chín muồi; tạo điều kiện cho cán bộ có môi trường rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện thì cán bộ đó mới thể hiện được phẩm chất chính trị, năng lực công tác, khả năng quản lý lãnh đạo của mình.

Dư luận kỳ vọng, Quy định này sẽ góp phần khắc phục được tình trạng cán bộ “leo vào các vị trí quá sức”, “mặc chiếc áo quá rộng” và dẫn đến hệ lụy tất yếu là tự diễn biến, tự chuyển hóa, tham ô, tham nhũng làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, khắc phục được tình trạng cán bộ “chín non, chín ép”, “thấy đỏ mà tưởng là chín” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.

Chú trọng phát huy dân chủ trong Đảng

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Quy định 80 đã tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Điều này không chỉ góp phần lựa chọn được những người có đức, có tài phục vụ cho dân, cho nước mà còn là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Đồng thời, những quy định này còn góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây cũng là phương cách để tham gia mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.
Đánh giá cao Quy định 80, ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nhấn mạnh, việc chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ quyết định vận mệnh của đất nước, uy tín và hiệu lực của Đảng trong lãnh đạo nhân dân. Do đó, Quy định 80 là rất đúng và trúng. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là khâu tổ chức chỉ đạo thực hiện. “Việc này phải hết sức phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên cấp dưới với cấp trên; phát huy vai trò kiên định chỉ đạo của cấp trên với cấp dưới” - ông Phạm Thế Duyệt nêu quan điểm.

Để quy định đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quá trình tổ chức thực hiện phải hết sức chú trọng phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn. Đồng thời, cấp trên thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với định kỳ, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; xây dựng kế hoạch, phân công tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.../.
         
Theo Quy định 80, cá nhân, tập thể đề xuất; cơ quan thẩm định; tập thể quyết định cán bộ theo thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về đề nghị, thẩm định, quyết định của mình.
LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Dân chủ, chặt chẽ, công khai trong công tác cán bộ