Lấy phiếu tín nhiệm để “tự soi”, “tự sửa”
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc lấy phiếu tín nhiệm của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, bắt đầu được tiến hành từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được thực hiện theo Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 (thay thế cho Quy định 262/QĐ-TW được ban hành năm 2014).
Mục đích là để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai từ khóa XI, XII. Lần này, triển khai lấy phiếu trên cơ sở kinh nghiệm từ các lần lấy phiếu trước đó. Nhưng quan trọng là qua lấy phiếu để lãnh đạo tốt hơn chứ không phải để soi tìm khuyết điểm. Đây sẽ là cơ sở để tới đây chúng ta lấy phiếu tại Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở Đảng làm trước thì sau này các cơ quan khác trong hệ thống chính trị sẽ làm sau, đạt được kết quả tốt.
Đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm. Bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đặc biệt, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng có thể coi như một thử thách rất lớn, không chỉ đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ lãnh đạo mà còn giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa" lại mình. Qua đó nhắc nhở, tạo ra yêu cầu đối với người được lấy phiếu phải nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Việc làm này rất tốt, nhằm thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình; nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm, người ghi phiếu tín nhiệm. Từ kết quả lấy phiếu, từng người sẽ thấy được mặt làm được, mặt chưa làm được, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục, sửa chữa” - PGS,TS. Bùi Đình Bôn - nguyên Thư ký khoa học, Hội đồng Lý luận T.Ư - nhận định.
Thêm cơ sở để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ
Theo Thông báo Hội nghị giữa nhiệm kỳ T.Ư khóa XIII: Việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành T.Ư Đảng đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh.
“Các đồng chí trong Ban Chấp hành T.Ư đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, dân chủ, khách quan, công tâm, nghiên cứu kỹ lưỡng Báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; căn cứ từ thực tế quan hệ công tác đã thể hiện rõ chính kiến về mức độ tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII của Đảng” - Thông báo nêu rõ.
Từ kết quả, kinh nghiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành T.Ư đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị T.Ư giữa nhiệm kỳ lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026-2031; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Đồng thời, khẩn trương, nghiêm túc tiến hành tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới, tập trung vào 10 năm gần đây; thành lập các Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng để các Tiểu ban này, nhất là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự, sớm đi vào hoạt động, đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu đề ra./.