“Dân ta phải biết sử ta”

(BKTO) - Dân ta phải biết sử ta Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

32-dan-ta-phai-biet-su-ta.-2.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người quan tâm đặc biệt đến lịch sử nước nhà, coi lịch sử là một nguồn tư liệu vô giá. Ảnh tư liệu

Đó là câu nói, là lời dặn, lời dạy vô cùng giản dị và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào, chiến sĩ cả nước, với tuổi trẻ hôm nay và cả mai sau. Không chỉ căn dặn mọi người “phải biết sử ta”, mà bình sinh chính Bác của chúng ta cũng là người đam mê với lịch sử dân tộc, thích đọc sách sử thích tìm hiểu lịch sử dân tộc.

Theo lời kể của các nhân chứng là những người có vinh dự phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những tháng năm Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch thì sinh thời, Người rất quan tâm đọc và giữ gìn cẩn thận những cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam, về các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của Nhân dân ta nhằm giữ gìn nền tự do độc lập của dân tộc do các tác giả trong và ngoài nước viết. Trên bàn làm việc ở tầng hai ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích Phủ Chủ tịch, có cuốn sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và nghe đọc trong những ngày cuối trước lúc Người đi xa.

Nội dung cuốn sách giới thiệu khái quát về nước Đại Việt trước cuộc kháng chiến; sự hình thành và phát triển của đế quốc Mông Cổ; ba lần kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông của Nhân dân ta. Vương triều Trần đã đoàn kết, phát huy được sức mạnh tổng hợp, trên dưới một lòng cùng nhau đấu tranh chống lại quân xâm lược. Các tướng tài của nước Đại Việt mà nổi bật nhất là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với tư tưởng quân sự “lấy yếu đánh mạnh”, chiến lược của một nước nhỏ chống lại một nước lớn, chủ động trong cả tấn công và phòng ngự, hoặc rút lui chiến lược, cũng như chủ động kết thúc chiến tranh bằng hòa hiếu… Đó là những kinh nghiệm giữ nước hết sức quý báu đã được các thế hệ người Việt kế thừa và phát huy trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - cũng kể vào ngày 12/01/1999 rằng, trong thời gian chữa bệnh ở Nhà 67, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nghe đọc sách đến khoảng 10h30 mới tắt đèn đi ngủ. Người rất thích nghe các sách viết về Lênin, về đường lối cách mạng Việt Nam, sách về lịch sử Việt Nam do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nhà sử học viết. Và chính cuốn sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII” là cuốn sách cuối cùng Người nghe đọc dở trước lúc đi xa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc cuốn sách này ở nhà sàn và khi Người chuyển xuống ở nhà H67 thì vẫn cho mang theo cuốn sách để đồng chí Cù Văn Chước đọc cho Người nghe.

Cũng theo các đồng chí đã có vinh dự phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở và làm việc tại Khu di tích Phủ Chủ tịch thì có rất nhiều sách, báo, bản tin từ nhiều nguồn khác nhau như: Khi Người đi thăm các nơi được tặng trực tiếp mang về, các tác giả gửi tặng qua Đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại sau đó Đại sứ quán gửi về hoặc các tác giả đến thăm và tặng sách cho Người (sách này thường có lời đề tặng), hay có những cuốn được gửi đến Phủ Chủ tịch qua đường bưu điện. Và cuốn sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII”, được Nhà xuất bản gửi đến biếu Người qua đường bưu điện sau khi xuất bản năm 1968.

Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII đi đến thắng lợi đã để lại những bài học lịch sử có giá trị về lý luận, tư tưởng và nghệ thuật quân sự của cha ông ta trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Sau này, bước vào thời kỳ cận đại và hiện đại, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc đã phát huy lên tầm cao mới. Toàn dân ta đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á và tiếp sau đó là cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ giành thắng lợi vẻ vang.

Trong quá trình nghiên cứu xác minh cuốn sách, chúng tôi được biết một số nhà lãnh đạo, nhà quân sự đã có những tác phẩm đánh giá, đúc kết về nghệ thuật quân sự dưới thời Lý - Trần như: Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết: “Ưu điểm vượi trội của cuộc kháng chiến đời Trần là mưu cao, mẹo giỏi”. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta trong thời đại phong kiến”. Một số sử gia phong kiến Trung Quốc cũng phải khâm phục phép dùng binh của những người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ của nhân dân ta thời Trần.

Là người quan tâm đặc biệt đến lịch sử nước nhà, coi lịch sử là một nguồn tư liệu vô giá, là động lực góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ngay từ năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài diễn ca lịch sử “Lịch sử nước ta” ca ngợi, tri ân, vinh danh các triều đại vua chúa, các đấng anh hùng có tài trị quốc an dân, phát triển đất nước, diệt giặc ngoài thù trong, mở mang bờ cõi. Từ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược thời Trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra và khẳng định những bài học kinh nghiệm lớn: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của Nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, đã giữ vững được quyền tự do dân chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sự kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn, thiếu thốn, đói, khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước”. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó đoàn kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”…

Với giá trị và ý nghĩa về lịch sử, cuốn sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII” không chỉ là hiện vật vô giá, góp phần nghiên cứu về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn giúp chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và niềm tin của mỗi một người dân vào tương lai Tổ quốc Việt Nam./.

(Thập tam trại, tháng Giêng năm 2023)

Cùng chuyên mục
“Dân ta phải biết sử ta”