Năm 2022, ngân sách bố trí 23.000 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo

(BKTO) - Năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí khoảng 23.000 tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung.

gia-ngheo.jpg
Các chính sách về giảm nghèo đã và đang được đẩy mạnh thực hiện. Ảnh: Internet

Theo Báo cáo tổng kết công tác giảm nghèo năm 2022 của Văn phòng Quốc gia giảm nghèo, mặc dù chịu tác động của tình hình kinh tế, chính trị của thế giới, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí khoảng 23.000 tỷ để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung (hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; giáo dục và đào tạo; y tế; nhà ở; về trợ giúp pháp lý; về văn hóa, thông tin).

Hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh.

Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được tăng cường, khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp.

Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

Về chính sách tín dụng ưu đãi, ước đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ đạt trên 283.000 tỷ đồng với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Về huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ tháng 01 đến tháng 9/2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức vận động 3.544 tỷ đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội.

Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được hơn 971 tỷ đồng và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương hơn 2.572 tỷ đồng. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Năm 2023, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc gia giảm nghèo sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền; nâng cao năng lực và kiểm tra, giám sát thực hiện giảm nghèo và huy động thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo, hướng tới mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%, tỷ lệ nghèo đa chiều của các huyện nghèo giảm khoảng 4%./.

Cùng chuyên mục
Năm 2022, ngân sách bố trí 23.000 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo