Thí sinh dự thi trực tuyến. Ảnh sưu tầm |
Năm 2022, hệ thống này hướng tới giúp toàn bộ việc khai báo thông tin của thí sinh lớp 12 và thí sinh tự do đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và xét tuyển đại học (nộp các hồ sơ, minh chứng, giấy tờ) được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Thông tin của 1 triệu thí sinh phải kết nối với cơ sở dữ liệu ngành để thí sinh không phải khai lại thông tin cá nhân đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu ngành và chỉ bổ sung thông tin cần thiết của kỳ thi.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân (học sinh và phụ huynh học sinh), Bộ GD&ĐT đã triển khai nâng cấp và mở rộng nền tảng đăng ký xét tuyển cũng như xử lý nguyện vọng trực tuyến cho trên 900 nghìn thí sinh có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng. Nền tảng này có trên 900 nghìn thí sinh tương tác, trên 300 trường đại học, cao đẳng tham gia; với 20 phương thức xét tuyển khác nhau năm 2022; trên 400 nghìn lượt mã ngành. |
Ngoài ra hệ thống có nhiệm vụ kết nối dữ liệu học tập của học sinh ở phổ thông, dữ liệu học bạ cùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để phục vụ xét tuyển. Cùng với đó là nhiệm vụ thanh toán lệ phí trực tuyến bằng các phương thức khác nhau, trên các nền tảng khác nhau.
Theo thống kê, trên 93% thí sinh đã đăng ký trực tuyến, thay vì đăng ký thi bằng hồ sơ giấy tờ, đi lại tốn kém, từ đó giúp tiết kiệm cho xã hội hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống hoạt động hoàn toàn trơn tru, hiệu quả trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đến thời điểm này, trong việc đăng ký xét tuyển, trên 50% thí sinh, tương ứng với khoảng 450.000 thí sinh cùng 2 triệu nguyện vọng đã được đăng ký với tất cả các phương thức xét tuyển khác nhau.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ phổ thông lên đại học đã được kết nối liên thông, kết quả nhất quán theo mã định danh điện tử ở tất cả các cấp học. Cơ sở dữ liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ và các dữ liệu khác đã sẵn sàng để phục vụ cho các trường xét tuyển.
Phần mềm cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nền tảng thanh toán lệ phí sơ tuyển qua 15 kênh khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh xét tuyển bằng các phương thức khác nhau ở các vùng khác nhau.
Nhìn chung, công tác triển khai nói trên được các địa phương đánh giá rất cao. Bộ GD&ĐT nắm được đầy đủ thông tin, dữ liệu thi, tuyển sinh trên toàn quốc, kết nối thông suốt dữ liệu ngành, phục vụ hiệu quả chức năng quản lý nhà nước. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Bên cạnh thuận tiện, giảm công sức và chi phí, giảm sai sót trong quá trình đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, còn là sự thay đổi nhận thức và tạo ra niềm tin, từng bước nâng cao năng lực số cho học sinh, giáo viên”.
Để đạt được những kết quả trên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề cập đến 4 bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là chọn việc, chọn việc trọng tâm, trọng điểm, có tác động lớn, hiệu quả cao. Thứ hai là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chọn người, chọn đơn vị có đủ năng lực để triển khai quyết liệt, thường xuyên sâu sát, thay đổi nhận thức. Thứ ba là tổ chức thực hiện với nỗ lực cao, có kịch bản chi tiết, luôn luôn đứng về phía người sử dụng. Thứ tư là truyền thông và tập huấn để thuyết phục, để hướng dẫn sử dụng phần mềm tránh sai sót.
Thông tin từ Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), những vấn đề cần tiếp tục thực hiện Đề án 06 trong lĩnh vực giáo dục bao gồm: Thu thập, chuẩn hóa thông tin định danh đối với cán bộ ngành Giáo dục và học sinh; Tích hợp dịch vụ công trực tuyến công nhận văn bằng trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học; Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu khác của Bộ GD&ĐT; Cải cách thủ tục hành chính phục vụ phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số của Bộ GD&ĐT.
N.LỘC